VASEP đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam

(BKTO) - Với mục tiêu đưa xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng 10% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9,4 tỷ USD trong năm 2021, VASEP sẽ ưu tiên xây dựng thương hiệu tôm và cá tra Việt Nam.




Ban chấp hành VASEP nhiệm kỳ 2021-2025 ra mắt đại hội. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong thời gian qua nhưng cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan.

Do đó, nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) trong giai đoạn 2021-2025 là nâng cao năng lực hội viên, đẩy mạnh chiến lược xây dựng và quảng bá sản phẩm thủy sản Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Đại hội toàn thể VASEP lần thứ 6 (nhiệm kỳ 2021-2025), tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22/12.

Xuất khẩu thủy sản cán đích 8,6 tỷ USD

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP thông tin, năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhất là ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đã tác động rõ rệt đến thương mại thủy sản của Việt Nam.

Trong quý 1 và quý 2, xuất khẩu thủy sản giảm lần lượt 10% và 7% so với cưng kỳ 2019; trong đó, những tháng cao điểm dịch bệnh tại EU và Hoa Kỳ xuất khẩu đã giảm sâu đến 48%.

Từ tháng 7 trở đi, xuất khẩu bắt đầu hồi phục và tăng trong 3 tháng cuối năm từ 10-13%/tháng đã giúp bù đắp mức sụt giảm trước đó, đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm đạt 8,6 tỷ USD, tương đương năm 2019.

Điều này cho thấy, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang thích ứng, vượt qua thách thức và bắt đầu nắm bắt được cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Về sản phẩm, xuất khẩu tôm tăng trưởng 2 con số từ tháng 6 và tăng mạnh 25% trong tháng 9 và tháng 10, sang tháng 11 tiếp tục tăng 28%.

Với mức duy trì tốt như hiện nay, xuất khẩu tôm năm 2020 dự kiến đạt trên 3,85 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 72% giá trị xuất khẩu, ước đạt gần 3 tỷ USD, trong khi tôm sú chỉ đạt 616 triệu USD, chiếm 16% và tôm biển chiếm 12% đạt 462 triệu USD.

Với cá tra, kim ngạch xuất khẩu giảm sâu từ tháng 3 đến tháng 9 với mức giảm từ 17-35% so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 10, giá cá tra xuất khẩu khả quan hơn, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh so với những tháng trước, và so với cùng kỳ mức sụt giảm chỉ còn 5%, sang tháng 11 giảm nhẹ 4%.

Lũy kế đến cuối tháng 11/2020, xuất khẩu cá tra đạt 1,34 tỷ USD, giảm 24%. Ước tính xuất khẩu cá tra cả năm sẽ đạt khoảng 1,54 tỷ USD, giảm 23% so với năm 2019.

Xuất khẩu hải sản giảm sâu trong tháng 3 và tháng 5 (giảm lần lượt 47% và 20%), sau đó hồi phục dần, bắt đầu có tăng trưởng dương từ tháng 8. Sau khi tăng mạnh 15% trong tháng 9, trong tháng 10 tăng 2% và tháng 11 tăng 8%.

Ước tính xuất khẩu hải sản cả năm 2020 đạt gần 3,2 tỷ USD, gần tương đương với năm 2019.

Trong top 6 thị trường chính năm 2020 chỉ có 2 thị trường Hoa Kỳ và Trung Quốc còn duy trì được tăng trưởng dương so với năm 2019, tăng lần lượt là 13% và 5%.

Xuất khẩu sang các thị trường khác đều sụt giảm so với năm 2019 do tác động của COVID-19 làm ảnh hưởng đến nhu cầu thủy sản và hoạt động giao dịch với các thị trường này.

Ước tính cả năm xuất khẩu thủy sản sang EU (trừ Anh) đạt khoảng 991 triệu USD, giảm 2,5%. Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản ước tính giảm 3%, Hàn Quốc giảm gần 2%.

Theo phân tích của các doanh nghiệp, dịch COVID-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu thụ ở các thị trường, cụ thể sức tiêu thụ của các kênh dịch vụ, nhà hàng, khách sạn đều giảm do yêu cầu giãn cách xã hội, trong khi đó, sức mua tại các siêu thị, các kênh bán lẻ phục vụ nấu tại nhà gia tăng.

Trong bối cảnh đó, sản phẩm tôm xuất khẩu với dạng sản phẩm, cách chế biến khác nhau vẫn phù hợp tiêu thụ tại các siêu thị và phân khúc bán lẻ, phục vụ chế biến tại nhà trong những thời điểm giãn cách xã hội nên được tiêu thụ mạnh, trong khi các sản pẩm cá tra xuất khẩu nhắm tới các thị trường chính được tiêu thụ chính cho phân khúc dịch vụ sẽ gặp khó khăn, một số sản phẩm hải sản cũng tương tự như vậy.

Xây dựng thương hiệu

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, mặc dù đạt được kết quả khả quan trong năm 2020 nhưng đánh giá tổng thể, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu chỉ đạo tại đại hội. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Cụ thể, về nội tại, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu chưa hợp lý, cơ sở hạ tầng phục vụ ngành còn hạn chế, đặc biệt là trong nhóm hải sản. Quy mô của ngành chưa tương xứng với tiềm năng thực tế.

Về khách quan, hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ còn dai dẳng sang những năm tiếp theo, tăng trưởng GDP có khả năng ảm đạm tới năm 2022-2023.

Bên cạnh đó, các rào cản như thuế chống bán phá giá tôm và cá tra tại thị trường Mỹ chưa có dấu hiệu sẽ được chấm dứt sớm. Việc gỡ bỏ thẻ vàng IUU đang gặp không ít khó khăn khó có thể giải quyết nhanh một sớm một chiều.

Thị trường Trung Quốc được đánh giá là thị trường tiềm năng với nhu cầu nhập khẩu thủy sản ngày càng tăng, nhưng đồng thời sẽ siết chặt kiểm tra thủy sản nhập khẩu cũng là trở ngại lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta chia sẻ trong năm 2021, mặc dù tín hiệu thị trường lạc quan hơn năm 2020 nhưng ngành thủy sản Việt Nam nói chung, ngành tôm nói riêng đã bắt đầu xuất hiên các khó khăn mới do thiếu nguyên liệu chế biến, năng suất lao động thấp dẫn đến hạn chế năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, xu hướng của các thị trường nhập khẩu sẽ ngày càng quan tâm đến chất lượng vệ sinh và an toàn thực phẩm, yêu cầu ngày càng cao đối với sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ và quy trình sản xuất bền vững, đảo bảo các tiêu chuẩn về lao động, về môi trường và an sinh xã hội cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp và hiệp hội phải có phương án giải quyết trong thời gian tới.

Đại hội toàn thể VASEP đã bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021-2025 gồm 31 thành viên, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP nhiệm kỳ 2015-2020 tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch, ông Trương Đình Hòe tiếp tục giữ chức Tổng thư ký.

Với mục tiêu đưa xuất khẩu thủy sản quay lại đà tăng trưởng 10% với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 9,4 tỷ USD trong năm 2021 và đạt 12 tỷ USD vào năm 2025, các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng lực hội viên, hiệp hội cần ưu tiên các hoạt động cho mục tiêu xây dựng thương hiệu tôm và cá tra Việt Nam, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, chế biến, marketing lẫn thương mại, xây dựng chiến lược phát triển thị trường nội địa hướng đến ổn định nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu.

Song song đó, hiệp hội cần tích cực hỗ trợ hội viên nâng cao năng lực vượt rào cản thị trường bằng cách tổng hợp cập nhật diễn biến thị trường, tiến hành vận động hành lang hoặc các hoạt động khác hỗ trợ doanh nâng cao năng lực tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế./.

Theovietnamplus.vn
Cùng chuyên mục
VASEP đẩy mạnh xây dựng, quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam