VCCI: Cần xem xét tính khả thi của quy định sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán

(BKTO) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định trong Dự thảo còn khó khả thi.




                
   

VCCI cho rằng cầnxem xét tính khả thi của quy định sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán. Ảnh minh họa: D.THIỆN

   

Cụ thể, tại Điều 1.2 Dự thảo quy định, tất cả các sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đều có trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của cá nhân kinh doanh (bao gồm cung cấp thông tin doanh thu hoặc kê khai, nộp thuế thay).

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định như vậy cần được xem xét lại do thiếu tính khả thi đối với một nhóm các sàn TMĐT. Bởi vì, các sàn TMĐT hiện được phân chia làm 2 nhóm: sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến và sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Trong đó, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến chỉ đơn giản có chức năng trưng bày sản phẩm hàng hóa, còn việc trao đổi, chốt đơn hàng và giao nhận, thanh toán đều do người bán và người mua chủ động liên lạc, trao đổi với nhau và sử dụng các phương tiện, dịch vụ của bên thứ ba. Vì vậy, các sàn TMĐT không có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ không có thông tin về doanh thu của người bán.

Các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến sẽ có khả năng biết được doanh thu của cá nhân kinh doanh, do đó mới có khả năng thực hiện các nghĩa vụ liên quan như được quy định tại Dự thảo.

Từ những phân tích trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng chỉ áp dụng với các sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Về nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn TMĐT, Điều 1.2 Dự thảo quy định, sàn TMĐT thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân trên cơ sở ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự.

VCCI cho rằng, quy định dẫn chiếu sang pháp luật dân sự như tại Dự thảo là chưa rõ ràng về hình thức ủy quyền. Bởi vì, việc ủy quyền trên thực tế có thể thực hiện theo 1 trong 2 hình thức: ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền; ủy quyền thông qua giấy ủy quyền.

Cùng với đó, theo VCCI, 2 hình thức này có một số điểm khác biệt.

Cụ thể, về quy định pháp luật, hợp đồng ủy quyền được quy định tại Mục 13 Chương XVI Bộ luật Dân sự, trong khi giấy ủy quyền được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau và mỗi văn bản lại có một số yêu cầu khác nhau.

Về chữ ký trên văn bản ủy quyền, hợp đồng ủy quyền yêu cầu cần có chữ ký của cả hai bên (bên ủy quyền - ở đây là người bán và bên được ủy quyền - ở đây là sàn TMĐT); trong khi giấy ủy quyền chỉ yêu cầu chữ ký của bên ủy quyền.

Về sự tham gia của các bên trong việc lập hợp đồng, đối với hợp đồng ủy quyền có sự tham gia của cả hai bên (sàn TMĐT và người bán); trong khi đối với giấy ủy quyền chủ yếu chỉ do người bán lập.

“Từ những phân tích trên, có thể thấy rằng hình thức ủy quyền thông qua giấy ủy quyền sẽ gây rủi ro trong việc thực thi như chưa có quy định pháp luật rõ ràng để các bên thống nhất thực hiện, thiếu sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Việc này dẫn đến khó khăn cho các sàn TMĐT trong việc tuân thủ quy định và gây khó khăn cho cả cơ quan thuế trong giám sát, xác định trường hợp nào đã ủy quyền và trường hợp nào chưa ủy quyền” - VCCI góp ý.

Do vậy, để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định trên theo hướng sàn TMĐT thực hiện khai, nộp thuế thay cho cá nhân được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ủy quyền theo quy định của pháp luật dân sự./.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
VCCI: Cần xem xét tính khả thi của quy định sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay người bán