VCCI: Quy định kinh doanh dịch vụ phát thanh truyền hình còn nhiều bất cập

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, một số quy định về cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình vẫn còn nhiều bất cập.



                
   

Theo VCCI, quy định kinh doanh dịch vụ phát thanh truyền hình còn nhiều bất cập - Ảnh minh họa: chinhphu.vn

   

Cụ thể, về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, các quy định về trình tự thủ tục hành chính quy định tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình không có quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, trong khi thời hạn để thẩm định và cấp phép lại được tính từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

VCCI cho rằng, điều này có thể khiến cho trình tự, thủ tục hành chính trở nên thiếu minh bạch, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung vào Dự thảo phương án quy định về thời gian xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, khoảng 1 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ.

Về thời hạn giải quyết thủ tục cấp lại giấy phép, theo quy định tại Khoản 7 Điều 12 Nghị định 06/2016/NĐ-CP thì thời hạn để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cấp lại giấy phép trong trường hợp giấy phép bị mất hoặc bị hư hỏng không còn sử dụng được là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị.

Tại Dự thảo đã đề xuất phương án giảm xuống 8 ngày làm việc, tuy nhiên, số ngày như vậy vẫn quá dài. Để đảm bảo tinh thần cải cách, đề nghị cơ quan soạn thảo giảm thời hạn xuống còn 5 ngày làm việc tính từ ngày nhận được văn bản đề nghị - VCCI góp ý.

Về điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 06/2016/NĐ-CP thì doanh nghiệp phải đáp ứng 2 điều kiện.

Thứ nhất, có các phương án: bố trí nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật; dự báo và phân tích thị trường dịch vụ; kế hoạch kinh doanh và giá cước dịch vụ; dự toán chi phí đầu tư và chi phí hoạt động ít nhất trong 2 năm đầu tiên; văn bản chứng minh vốn điều lệ hoặc văn bản giá trị tương đương đáp ứng yêu cầu triển khai cung cấp dịch vụ theo dự toán.

Thứ hai, có phương án thiết lập trung tâm thu phát tất cả các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài tập trung ở 1 địa điểm, trừ các kênh chương trình thuộc Danh mục kênh chương trình thực hiện nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương...

Đối với điều kiện thứ nhất, VCCI cho rằngkhông phù hợp với tính chất của một điều kiện kinh doanh như yêu cầu của Điều 7 Luật Đầu tư. Từ góc độ thực tiễn, theo nội dung Tờ trình thì “thị trường dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền tiếp tục tăng trưởng về số lượng thuê bao, nội dung trên dịch vụ được đổi mới với nhiều nội dung hấp dẫn”.

Như vậy, dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đang có thị trường phát triển khá mạnh mẽ, có sự cạnh tranh của các đơn vị cung cấp dịch vụ, với yếu tố thị trường này thì những điều kiện để đảm bảo hiệu quả hoạt động, sự ổn định cung cấp dịch vụ, tự bản thân mỗi doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện về vốn, các kế hoạch kinh doanh phù hợp nếu muốn tồn tại. Do đó, từ góc độ Nhà nước, không cần thiết phải kiểm soát việc doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả hay không.

Đối với điều kiện thứ hai, VCCI cho rằng không khả thi và chưa đảm bảo an toàn thông tin và chất lượng dịch vụ, vì thông thường thiết kế hệ thống phát thanh, truyền hình cần phải có điểm dự phòng về địa lý, nên không thể chỉ có ở 1 địa điểm. Hơn nữa, do hiện nay mô hình thuê hạ tầng từ các nhà cung cấp hạ tầng (trong và ngoài nước) rất phổ biến, nhằm tối ưu hệ thống, nên vị trí địa lý thường là phân tán và có thể thay đổi.

Vì vậy, để đảm bảo tính hợp lý, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc theo hướng bỏ các điều kiện nói trên. Riêng đối với điều kiện thứ hai, trong trường hợp giải trình được đầy đủ lý do cần duy trì điều kiện này thì đề nghị cần sửa đổi theo hướng phù hợp./.
DIỆU THIỆN
Cùng chuyên mục
VCCI: Quy định kinh doanh dịch vụ phát thanh truyền hình còn nhiều bất cập