Theo VCCI, một số quy định về hợp đồng bảo hiểm chưa đảm bảo tính thống nhất - Ảnh minh họa: chinhphu.vn |
Cụ thể, về hợp đồng bảo hiểm, tại Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm có thể “kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm được quy định tại Khoản 1 Điều 12”. Như vậy, quy định này có thể hiểu, doanh nghiệp bảo hiểm có thể ký kết hợp hợp đồng bảo hiểm con người, hợp đồng bảo hiểm tài sản và thiệt hại trong cùng một hợp đồng, như vậy thì doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có thể cung cấp cả sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.
Trong khi đó, tại Khoản 3 Điều 67 Dự thảo quy định “doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh đồng thời bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe” và có một số trường hợp ngoại lệ được liệt kê cụ thể. Như vậy, việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trên có thể thực hiện trong các trường hợp ngoại lệ quy định tại Khoản 3 Điều 67 Dự thảo.
Theo VCCI, để đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất giữa các quy định, đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ việc kết hợp các loại hợp đồng bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm áp dụng trong các trường hợp được liệt kê ở Khoản 3 Điều 67 Dự thảo.
Về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, tại Khoản 3 Điều 16 Dự thảo quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng trong việc chậm thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm về việc xảy ra sự kiện bảo hiểm.
VCCI cho rằng, thời gian thông báo về sự kiện bảo hiểm không liên quan đến việc áp dụng điều khoản loại trừ bảo hiểm, bất kể bên mua bảo hiểm có thông báo sớm hay muộn về sự kiện bảo hiểm (nếu vẫn trong thời hạn thông báo về sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm), dù vì bất kỳ lý do gì mà sự kiện bảo hiểm rơi vào các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm cũng không chi trả cho các sự kiện này.
Do đó, việc đặt ra quy định không áp dụng điều khoản loại trừ trong trường hợp bên mua bảo hiểm có lý do bất khả kháng khi chậm thông báo về sự kiện bảo hiểm là chưa phù hợp, VCCI đề nghị bỏ quy định này.
Về quy định hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, tại Khoản 2 Điều 19 Dự thảo quy định các trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và trong trường hợp này thì doanh nghiệp bảo hiểm “không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm và không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm”.
Theo VCCI, quy định tại Điều 427 Bộ luật Dân sự 2014 khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận (trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp). Các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ chi phí hợp lý trong thực hiện hợp đồng và chi phí bảo quản, phát triển tài sản.
“Việc Dự thảo quy định doanh nghiệp “không hoàn lại phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm” khi hủy bỏ hợp đồng là chưa phù hợp với quy định về hủy bỏ hợp đồng quy định tại Bộ luật Dân sự 2014, đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất” - VCCI góp ý./.