Mức phạt tiền về thuếcòn thấp, nguyên tắc xử phạtchưa thống nhất
Theo Bộ Tài chính, việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế đang được thực hiện theo Nghị định số 129/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, còn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được thực hiện theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Do đó, việc áp dụng nguyên tắc xử phạt cũng như thẩm quyền xử phạt còn bất cập.
Không chỉ có vậy, số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế còn thấp hơn so với mức phạt tiền của các hành vi cùng lĩnh vực tương tự như: hải quan; phí, lệ phí; kế toán… Ví dụ, hành vi không nộp hồ sơ đăng ký thuế, phí, lệ phí, giá trong lĩnh vực thuế chỉ bị phạt tiền từ 800.000 đồng - 2 triệu đồng, trong khi lĩnh vực phí và lệ phí bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng, còn lĩnh vực giá thì bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng…
Mức phạt tiền còn thấp nên chưa đảm bảo tính phòng ngừa và chưa đủ nghiêm khắc để người nộp thuế nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng số lượng vụ việc vi phạm về thủ tục thuế tăng nhiều theo từng năm, nhất là từ năm 2014 cho đến nay. Đơn cử, năm 2018, cơ quan thuế phát hiện khoảng 192.200 vụ vi phạm hành chính về thuế, tăng khoảng 5,6 lần so với năm 2014.
Hơn nữa, theo quy định của Luật Xử phạt vi phạm hành chính, hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan, thủ tục thuế có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, cao gấp nhiều lần mức khung phạt tối đa được quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP (từ 400.000 đồng - 10 triệu đồng) như hiện nay.
Cũng theo Bộ Tài chính, số vụ vi phạm về hóa đơn không nhiều do mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm ở lĩnh vực này khá cao.
Nâng mức phạt tiền về thuế,giảm mức phạt tiềnvề hóa đơn
Để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với các quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và phù hợp với tình hình thực tế, việc điều chỉnh mức phạt tiền liên quan đến vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn là cần thiết.
Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, đang lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài ngành. Dự thảo Nghị định gồm 5 chương, 51 điều và được xây dựng trên cơ sở kế thừa quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn hiện hành; sửa đổi, bổ sung một số quy định cho phù hợp với Luật Quản lý thuế số 38, Luật Xử lý vi phạm hành chính; đồng thời khắc phục những bất cập phát sinh trong thực tế.
Trên cơ sở đó, Dự thảo bổ sung quy định về nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt 1 lần. Dự thảo cũng quy định rõ việc giảm trừ khi người nộp thuế vừa có tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng theo nguyên tắc: một tình tiết giảm nhẹ được giảm trừ một tình tiết tăng nặng; cụ thể hóa mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế, hóa đơn tại Nghị định này áp dụng đối với tổ chức (mức phạt tiền của cá nhân bằng 1/2 lần mức phạt tiền đối với tổ chức); bổ sung nguyên tắc xác định mức phạt tiền khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ được tính tăng hoặc giảm 10% mức phạt trung bình của khung phạt tiền.
Đặc biệt, Dự thảo bổ sung quy định không xử phạt người nộp thuế vi phạm hành chính do thực hiện theo hướng dẫn, quyết định xử lý của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.
Từ thực trạng tiền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về thuế còn thấp, Bộ Tài chính trình Chính phủ nâng mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế với mức tối thiểu là 500.000 đồng (hiện tại là 400.000 đồng) và mức cao nhất là 25 triệu đồng (hiện tại là 5 triệu đồng). Dự thảo đã cụ thể hóa mức phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm thủ tục thuế. Trong đó, đối với nhóm hành vi chậm nộp hồ sơ, hành vi nộp hồ sơ khai thuế quá 90 ngày thuộc hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế, tiền chậm nộp vào NSNN trước khi cơ quan thuế công bố quyết định thanh tra hoặc trước khi lập biên bản thì không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng bị xử phạt với mức tiền phạt từ 15 - 25 triệu đồng.
Về hóa đơn, Dự thảo giảm mức phạt tiền đối với hành vi không lập hóa đơn tổng hợp và hành vi không gạch chéo, hủy, xóa bỏ đối với hóa đơn đã lập, hóa đơn chưa lập không còn giá trị sử dụng (giảm mức phạt từ 4 - 8 triệu đồng xuống mức phạt từ 0,5 - 1,5 triệu đồng)…
Việc ban hành Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập hiện hành; nâng cao ý thức tuân thủ và tự giác chấp hành pháp luật về thuế, quản lý thuế của người nộp thuế, cán bộ thuế, cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế, thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào NSNN. Đồng thời, việc ban hành Nghị định cũng sẽ góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong quá trình xử lý vi phạm hành chính nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, thống nhất, công bằng khi thực thi pháp luật; đảm bảo đồng bộ trong nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính về thuế và hóa đơn.
THÙY ANH