Việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn bất cập

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 còn tình trạng vốn chưa phân bổ chi tiết; chưa phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước; bố trí vốn chưa phù hợp…

dtc-299.jpg
Còn 53.049,202 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân bổ chi tiết. Ảnh: ST

Theo Bộ Tài chính, pháp luật về đầu tư công đã tiếp tục được hoàn thiện theo hướng phân cấp, phân quyền, quản lý thống nhất cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương về việc thẩm định nguồn vốn, khả năng cân đối vốn; phân cấp trong quản lý, sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn nước ngoài cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương...

Cùng với đó, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo, điều hành triển khai kế hoạch đầu tư công, đưa ra các giải pháp kịp thời, hiệu quả trong triển khai sử dụng vốn; duy trì tổ chức các tổ công tác của Chính phủ do các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những tồn tại của việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa được khắc phục trong giai đoạn 2021-2025 như: Chưa phân bổ đủ vốn để thanh toán nợ xây dựng cơ bản và để thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước.

Theo tổng hợp của Bộ Tài chính, số vốn ứng trước nguồn ngân sách trung ương chưa bố trí thu hồi trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 7.890,595 tỷ đồng (các địa phương là 5.528,207 tỷ đồng, các Bộ là 2.362,388 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, theo quy định, nguồn ngân sách trung ương (dành tối đa không quá 30% vốn ngân sách trung ương) bổ sung có mục tiêu cho địa phương cơ bản đã được dự kiến phân bổ hết cho các dự án. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ nguồn vốn, phương án thu hồi số vốn ngân sách trung ương ứng trước cho các địa phương (5.528,207 tỷ đồng) nêu trên và thực hiện theo quy định tại khoản 6, Điều 4 Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội (...kiểm điểm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các tổ chức, cá nhân liên quan).

Đến nay, số vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 chưa phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là 53.049,202 tỷ đồng (chiếm 4% số vốn ngân sách trung ương được phép phân bổ chi tiết) phải đưa vào dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025.

Có dự án đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa đủ điều kiện để giao kế hoạch năm (do chưa đủ thủ tục đầu tư) trong khi kế hoạch hằng năm đã dành nguồn cho dự án này, như: Dự án Đường cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là 2.500 tỷ đồng cho tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện. Kế hoạch năm 2021 là 300 tỷ đồng, năm 2022 là 538 tỷ đồng. Tuy nhiên, số vốn kế hoạch hằng năm nêu trên đều không phân bổ được cho dự án và tỉnh Cao Bằng đã phải hoàn trả ngân sách trung ương. Đối với kế hoạch năm 2023 là 500 tỷ đồng, đến nay cũng chưa phân bổ.

Việc bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, liên vùng như: Dự án Cầu Kênh Vàng và đường dẫn hai đầu cầu, kết nối hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương; Dự án hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối quốc lộ 4D từ thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai sang huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Dự án Cầu Gành Hào và đường dẫn kết nối tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau... đến nay còn nhiều vướng mắc, chưa phân bổ và chưa giải ngân.

Một số Bộ, cơ quan trung ương lại chưa được bố trí đủ kế hoạch đầu tư công trung hạn theo nhu cầu vốn của đơn vị. Ví dụ: Trung ương Hội Nông dân Việt Nam còn 17 trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân các tỉnh, thành phố chưa được bố trí vốn để triển khai thực hiện (khoảng 700 tỷ đồng).

Với số ứng trước nguồn ngân sách trung ương chưa được bố trí kế hoạch thu hồi (7.890,595 tỷ đồng) và tình hình nợ xây dựng cơ bản tại một số địa phương (nợ xây dựng cơ bản của 04 địa phương (Lào Cai, Ninh Bình, Nam Định, Lâm Đồng) đến 31/12/2020 là 6.764,275 tỷ đồng, phát sinh trong năm 2021 là 1.409,062 tỷ đồng) cho thấy việc bố trí kế hoạch thu hồi vốn ứng trước ngân sách trung ương và thanh toán nợ xây dựng cơ bản sẽ phải thực hiện trong các năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem lại nhận định bố trí đủ vốn để thu hồi dứt điểm toàn bộ vốn ngân sách trung ương đã ứng trước và thanh toán nợ xây dựng cơ bản để kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công từng bước được tăng cường, tuân thủ.

Thời gian còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 không nhiều, trong khi đó vẫn còn những dự án với số vốn dự kiến giao lớn nhưng chưa đủ điều kiện giao chi tiết kế hoạch năm để thực hiện (Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) trên địa bàn tỉnh Sơn La; Dự án BOT hầm Đèo Cả; Dự án Hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên kết nối Thị xã Sa Pa tỉnh Lào Cai với huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu; Dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng);…. Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát nội dung này, đề xuất giải pháp đảm bảo thực thi theo quy định tại Luật Đầu tư công.

Về các giải pháp yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư bổ sung nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên… và đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công…/.

Cùng chuyên mục
Việc lập, phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn còn bất cập