Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM: Đổi mới cơ chế hoạt động mang lại hiệu quả tích cực nhưng thực hiện còn sai sót

(BKTO) - Kể từ năm 2015, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM được thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động. Từ một đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập, NSNN cấp hỗ trợ chi thường xuyên, đến nay, Trường đã tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của Trường đã có những thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế được KTNN chỉ ra qua cuộc kiểm toán Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 tại Trường Đại học Kinh tế

8-so8.jpg
KTNN chỉ ra một số hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2019 của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM Ảnh: UEH

Doanh thu tăng, thặng dư lớn nhờ đổi mới cơ chế hoạt động

Qua kiểm toán cho thấy, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ của Trường năm sau cao hơn năm trước, thu nhập cán bộ, giảng viên và người lao động tăng ổn định. Thặng dư hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cũng tăng qua từng năm và tăng tỷ lệ trích lập, bổ sung Quỹ Phát triển sự nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Đội ngũ giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị và số lượng, chất lượng công trình khoa học, bài báo công bố tại các tạp chí uy tín cũng tăng mạnh…

Theo đánh giá của KTNN, Báo cáo quyết toán năm 2019 của Trường Đại học Kinh tế TP. HCM đã phản ánh trung thực và hợp lý tình hình tài chính của đơn vị tại thời điểm lập Báo cáo, phù hợp với chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán áp dụng và quy định pháp luật có liên quan. Cụ thể, tổng doanh thu năm 2019 của đơn vị là 903,43 tỷ đồng, gồm hoạt động hành chính sự nghiệp là 4,02 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ là 869,95 tỷ đồng, hoạt động tài chính là 29,3 triệu đồng và hoạt động khác là 125,7 triệu đồng. Chi phí trong năm là 577,31 tỷ đồng, trong đó chi hoạt động hành chính sự nghiệp là 4,02 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ là 572,86 tỷ đồng, hoạt động tài chính 414,9 triệu đồng và hoạt động khác 21,3 triệu đồng. Tổng thặng dư là 320,01 tỷ đồng, trong đó thặng dư hoạt động sản xuất kinh doanh (giáo dục, đào tạo) của Trường là 285,09 tỷ đồng, chiếm 40,3% số thu học phí.

Tuy nhiên, KTNN chỉ ra rằng, mức thặng dư lớn là do đơn vị chưa hạch toán đầy đủ các chi phí, như chưa tính đủ chi phí khấu hao tài sản cố định, cũng như tiền lương của giảng viên. Trong khi đó, thặng dư của các đơn vị trực thuộc là 11,99 tỷ đồng, chiếm 7,3% doanh thu.

Qua kiểm toán, KTNN cũng phát hiện đơn vị còn phản ánh thiếu doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh 290,7 triệu đồng của đơn vị trực thuộc, thiếu doanh thu hoạt động tài chính 83,3 triệu đồng, hạch toán một số chi phí sản xuất kinh doanh, dịch vụ chưa hợp lý dẫn đến việc kê khai, nộp thiếu thuế giá trị gia tăng 23 triệu đồng, thuế thu nhập DN 187,7 triệu đồng, thuế nhà thầu 103,4 triệu đồng, cũng như chưa kê khai và quyết toán đầy đủ thuế thu nhập cá nhân, số còn thiếu là 961,6 triệu đồng.

Trong doanh thu sản xuất kinh doanh dịch vụ 869,95 tỷ đồng của Trường năm 2019, số thu học phí là 662,21 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 90%. Đối với lớp đào tạo chất lượng cao, mức thu được xây dựng theo từng ngành đào tạo, cao hơn mức thu của chương trình đào tạo đại trà nhưng việc xây dựng mức thu còn mang định tính, chưa có cơ sở do trước tháng 8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành về định mức kinh tế, kỹ thuật…

Với doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và thu khác, KTNN phát hiện một số khoản thu chưa có trong quy định của Nhà nước 150,4 triệu đồng, gồm thu tiền cấp lại thẻ sinh viên 49,2 triệu đồng; phúc khảo tuyển sinh, tốt nghiệp 26,3 triệu đồng; thu quản lý lớp học môn Giáo dục quốc phòng 74,9 triệu đồng. Đơn vị cũng đã phản ánh vào doanh thu tài trợ khoản thu từ các công ty, ngân hàng tài trợ để tổ chức các sự kiện 3,01 tỷ đồng, nhưng thực chất là các đơn vị đóng góp để được quảng cáo thương hiệu trong các sự kiện do Trường tổ chức. Hơn nữa, đơn vị cũng phản ánh vào thu học phí đại trà, nhưng thực chất là thu hoạt động dịch vụ đào tạo và thu khác 670,4 triệu đồng, gồm thu học phí chương trình liên kết với nước ngoài, thu thuê xe đưa đón sinh viên học môn Giáo dục quốc phòng. Thêm vào đó, đơn vị đã ghi nhận thiếu doanh thu 44 triệu đồng khoản phải thu của 2 sinh viên nước ngoài thuộc diện chương trình trao đổi sinh viên và chưa phản ánh doanh thu 806,3 triệu đồng của Chương trình New Zealand là khoản đóng góp của phía đối tác cho hoạt động tiếp thị.

Chi vượt giờ giảng cao nhưng chi học bổng, chi nghiên cứu khoa học thấp

Chỉ rõ những hạn chế của đơn vị trong chi hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và hoạt động tài chính, KTNN xác định, có 347 giảng viên có số giờ giảng vượt định mức, tổng số giờ vượt là 144.759 giờ, ứng với số tiền 31,88 tỷ đồng. Có 182 giảng viên vượt trên 300 giờ, cá biệt có giảng viên vượt giờ nhiều nhất là 1.446 giờ. Các giảng viên có số giờ vượt nhiều chủ yếu tập trung tại các khoa, bộ môn cơ sở ngành, còn các bộ môn chuyên ngành, đặc biệt tại khoa ít sinh viên theo học có số giờ giảng thấp hơn. Có 39 giảng viên chưa thực hiện đủ giờ giảng chuẩn do đi học nước ngoài, nghỉ sinh hoặc do chưa bù trừ giờ giảng với số giờ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, có 101 giảng viên không thực hiện đủ giờ nghiên cứu khoa học, trong đó có 38 giảng viên hoàn toàn không có giờ nghiên cứu khoa học, không đảm bảo giờ giảng theo quy định.

Ngoài bất cập trong chi vượt giờ, KTNN còn phát hiện mức chi học bổng loại khá cho sinh viên của Trường chỉ bằng 50% mức học phí trung bình của 15 tín chỉ trong học kỳ và thấp hơn quy định của Văn bản hợp nhất số 28/VBHN-BGDĐT. Cùng với đó, Trường chi cho nghiên cứu khoa học 18,09 tỷ đồng, bằng 2,7% nguồn thu học phí, trong đó chi nghiên cứu khoa học của sinh viên chỉ là 184,6 triệu đồng, bằng 0,03% nguồn thu học phí, thấp hơn nhiều so với quy định tại Nghị định số 99/2014/NĐ-CP (chi khoa học công nghệ là 5% nguồn thu hợp pháp, chi nghiên cứu khoa học của sinh viên là 3% nguồn thu học phí). Trường cũng đã chi sự nghiệp khoa học công nghệ sử dụng nguồn NSNN cấp chưa hiệu quả do hầu hết các chủ nhiệm đề tài thực hiện chậm tiến độ, xin gia hạn hoặc hủy bỏ, không thực hiện. Cá biệt đối với các đề tài cấp Bộ thuộc Chương trình “Nghiên cứu mô hình quản trị trường đại học công lập theo cơ chế tự chủ hoàn toàn” thực hiện từ năm 2018-2020 được NSNN cấp 5 tỷ đồng ngay từ năm 2018, nhưng đến tháng 5/2020 vẫn chưa triển khai nghiên cứu.

Qua thực tế kiểm toán cho thấy, kết quả chênh lệch thu, chi từ hoạt động sản xuất kinh doanh của Trường trong năm 2019 là 285,09 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 40% số thu học phí, trong khi đó tỷ lệ này của năm 2018 là 35%. Nguyên nhân là do mức thu học phí theo Đề án chương trình chất lượng cao, liên doanh, liên kết được đơn vị xây dựng cao gấp 1,6 lần đến 2 lần so với mức thu học phí hệ đại trà và trong kết cấu thu có nội dung chi đầu tư cơ sở vật chất nhưng khoản chi này Trường chưa thực hiện chi trong năm để thặng dư hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó trích lập Quỹ Phát triển sự nghiệp thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tập trung; trong kết cấu thu có nội dung chi quản lý nhưng khoản chi này Trường thực hiện lồng ghép gắn với chi phụ cấp chức vụ, phụ cấp trách nhiệm của cán bộ quản lý cấp Khoa/Phòng.

Cùng chuyên mục
Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại Trường Đại học Kinh tế TP. HCM: Đổi mới cơ chế hoạt động mang lại hiệu quả tích cực nhưng thực hiện còn sai sót