Ảnh minh họa - Nguồn: internet. |
Giá cao kỷ lục
Theo báo cáo Tổng quan ngành hàng Lúa gạo tháng 1/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo niên vụ 2019-2020 tại nhiều quốc gia sẽ giảm mạnh. Đặc biệt, Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ sụt giảm sản lượng gạo lớn, dự kiến giảm 1,8 triệu tấn xuống còn 146,7 triệu tấn (Trung Quốc) và giảm 1,4 triệu tấn, xuống 115 triệu tấn (Ấn Độ) do diện tích giảm. Đây là hai quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa sản lượng gạo toàn cầu.Tương tự, lượng gạo của Mỹ dự báo sẽ giảm gần 1,2 triệu tấn, chủ yếu do khu vực trồng lúa phía Nam có diện tích khai thác thấp .
Tiêu thụ gạo toàn cầu dự báo đạt kỷ lục 493,8 triệu tấn, chỉ giảm 0,2 triệu tấn so với dự báo tháng 11 nhưng cao hơn 1% so với một năm trước đó. Các kho dự trữ toàn cầu sẽ ở mức kỷ lục 177,8 triệu tấn, tăng 4,6 triệu tấn so với một năm trước trong niên vụ 2019-2020.
Đáng chú ý, Việt Nam là một trong số ít những nước có thế mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo sản lượng dự báo tăng mạnh khi bước vào vụ thu hoạch lớn. Ngành gạo Việt Nam có thể tăng khối lượng xuất khẩu với giá cả cạnh tranh.
Thống kê mới nhất từ Bộ NN-PTNT cho thấy, xuất khẩu gạo hai tháng đầu năm 2020 đạt 890.000 tấn (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019), giá trị xuất khẩu đạt 410 triệu USD (tăng 32,6%).
Đáng nói, giá gạo 5% tấm tại Việt Nam tăng vọt lên 380 USD/tấn, mức cao kỷ lục kể từ tháng 12/2018. Gạo IR 50404 loại 5% tấm tăng từ 30-40 USD/tấn, nhưng không có gạo để bán.
Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo cũng có chiều hướng tăng. Hiện các DN trong vùng ĐBSCL mua lúa ướt tại ruộng với giá dao động 4.400-5.400 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 300-500 đồng/kg; chỉ có giống lúa IR50404 tiêu thụ thị trường nội địa là giá thấp, khoảng 4.400 đồng/kg. Trong đó, giá lúa hạt dài cao hơn lúa thường 300-800 đồng/kg.
Giá lúa thu mua tại kho của DN 5.400-6.400 đồng/kg, cao hơn mức bán lúa tươi tại ruộng của nông dân bình quân 1.000 đồng/kg. Nhiều thương lái, doanh nghiệp đã đến tận ruộng của nông dân đặt cọc và ký hợp đồng bao tiêu lúa dài với giá 5.000-5.200 đồng/kg.
Cơ hội vượt qua Thái Lan
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2020, bức tranh xuất khẩu gạo nước ta sẽ khởi sắc với nhiều cơ hội lớn. Trong đó không thể không kể đến cơ hội đa dạng hóa thị trường, gia tăng thị phần tại EU thông qua Hiệp định EVFTA.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) - cho biết: theo EVFTA, bên cạnh thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số ít mặt hàng có xuất xứ từ bên kia, trong đó có nhiều hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam. Điển hình, một số loại gạo được áp hạn ngạch là 40.000 tấn, sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Rõ ràng đây là cơ hội vàng cho xuất khẩu gạo bởi xưa nay nhiều mặt hàng gạo xuất sang thị trường EU phải chịu thuế nhập khẩu từ 5% - 45%, thậm chí một số nước trong khối áp mức thuế lên tới 100%. Trong khi đó, đối thủ của chúng ta là Campuchia được miễn thuế nhập khẩu gạo vào EU nên năng lực cạnh tranh về giá cả của gạo Việt không cao. Do vậy, khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất bằng 0%, nếu Việt Nam tận dụng tốt xuất khẩu được hết hạn ngạch 80.000 tấn mà EU cấp thì kim ngạch xuất khẩu sẽ gia tăng mạnh.
Chưa hết, trong khuôn khổ tham vấn song phương với Hàn Quốc về việc Hàn Quốc đánh thuế hóa mặt hàng gạo trong khuôn khổ WTO, Việt Nam đã ký kết với Hàn Quốc 2 văn bản là Thỏa thuận nhiều bên giữa Hàn Quốc và 5 đối tác WTO, bao gồm Australia, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam, về việc phân bổ hạn ngạch thuế quan; Thư trao đổi song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc về phân bổ hạn ngạch thuế quan. Theo đó, từ ngày 1/1/2020, bên cạnh việc phân bổ 20.000 tấn gạo cho tất cả thành viên WTO, Hàn Quốc sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch riêng là 55.112 tấn gạo.
Theo GS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia trong ngành lúa gạo:Ngành nông nghiệp nói chung và gạo nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Thời tiết thuận lợi sản lượng sẽ tăng và ngược lại. Theo đó, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới - đang chịu thiệt hại lớn do hạn mặn. Sản lượng gạo của nước này giảm gần 2 triệu tấn.Trong khi Việt Nam cũng đang bị hạn mặn, song chỉ diện tích nhỏ khoảng 28.000 ha lúa bị ảnh hưởng. Thế nên, nguồn cung gạo của Việt Nam rất dồi dào, chưa kể hai vụ lúa trước đó của nước ta đều trúng mùa, sản lượng tăng mạnh.
Đặc biệt, Việt Nam đang có lợi thế là sở hữu những giống lúa ngắn ngày, trồng cho thu hoạch nhanh, chất lượng gạo tốt. Thế nên, chúng ta có thể sản xuất 2-3 vụ/năm. Trong khi đó dù có 10 triệu ha diện tích trồng lúa nhưng Thái Lan lại rất sợ lợi thế này của Việt Nam. Bởi giống lúa của họ là giống dài ngày, chỉ canh tác được 1 vụ, trong khi nước ta canh tác được 2-3 vụ”.
Mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothamatat cũng thừa nhận: Năm nay, Việt Nam có thể soán ngôi Thái Lan về xuất khẩu gạo trong bối cảnh thị trường đang cạnh tranh vô cùng gay gắt, chi phí sản xuất gạo của Thái Lan ngày càng cao, tỷ giá đồng bath biến động và hạn hán đang đe dọa. Vì thế, năm 2020, Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.
NAM SƠN (tổng hợp)