
Tại Họp báo thông tin về Hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, đây là hội nghị cấp cao đa phương về tăng trưởng xanh quy mô lớn nhất Việt Nam đăng cai trong giai đoạn 2021-2026, thể hiện vai trò, trách nhiệm và đóng góp của Việt Nam trong P4G và trong nỗ lực chung thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững toàn cầu.
Hội nghị cũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong thực hiện cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thu hút các nguồn lực quốc tế để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
Hội nghị là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, chính sách về tăng trưởng xanh, cùng lan tỏa thông điệp hành động toàn cầu, đóng góp thiết thực, hiệu quả, mạnh mẽ hơn trong ứng phó với các thách thức chung của nhân loại.
P4G được hình thành năm 2017 trên cơ sở sáng kiến của Chính phủ Đan Mạch, tiền thân là Diễn đàn Tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF). Ngày 7/7/2017, Việt Nam tham gia Diễn đàn P4G với tư cách là một trong 7 nước thành viên sáng lập.
Hiện P4G bao gồm 9 quốc gia thành viên, bao gồm: Việt Nam, Đan Mạch, Hàn Quốc, Ethiopia, Kenya, Colombia, Hà Lan, Indonesia và Nam Phi; cùng với 5 tổ chức đối tác chiến lược.
Cũng theo Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, P4G là diễn đàn hàng đầu thế giới về thúc đẩy hợp tác đối tác công - tư, kết nối các chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức chính trị - xã hội, để cùng đưa ra các giải pháp mang tính đột phá về tăng trưởng xanh, góp phần thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững 2030 (SDGs) của Liên hợp quốc.
Hỗ trợ của P4G cho các nước đối tác chủ yếu thông qua hình thức đối tác công - tư, cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ triển khai các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự kiến, Hội nghị sẽ có khoảng 800 - 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các nước thành viên P4G và khách mời là các nước, tổ chức quốc tế và các tập đoàn, quỹ đầu tư có ảnh hưởng trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Theo Ban tổ chức, cho đến nay, đã có sự khẳng định tham dự của Thủ tướng các nước Ethiopia và Lào; Phó Thủ tướng Campuchia; Bộ trưởng các nước Hàn Quốc, Indonesia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Rwanda; Thứ trưởng và Đặc phái viên các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Philippines, Colombia, Nam Phi và Ý; cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế bao gồm Liên hợp quốc, Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh, Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, Ngân hàng HSBC...
Hội nghị sẽ bao gồm triển lãm về tăng trưởng xanh, phiên thảo luận cấp cao về chủ đề của Hội nghị, đối thoại doanh nghiệp và 5 phiên thảo luận cấp Bộ trưởng, tập trung vào các lĩnh vực huy động nguồn lực, chuyển đổi hệ thống lương thực, các giải pháp đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực, chuyển đổi năng lượng hiệu quả và bền vững.
Dự kiến, Hội nghị sẽ thông qua các văn kiện kết quả, trong đó bao gồm Tuyên bố Hà Nội, Tuyên bố P4G về tăng cường hợp tác với các tổ chức, cơ chế đa phương trong chuyển đổi xanh và phát triển bền vững cùng với một số kết quả khác./.
Trọng tâm hợp tác của P4G hiện tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như: giảm thất thoát và lãng phí lương thực, phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước bền vững, thúc đẩy năng lượng tái tạo và phát triển giao thông không phát thải.
Trong những năm qua, P4G đã cụ thể hóa các chương trình hợp tác, với thành tựu điển hình là hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ, vừa cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu – đạt tổng kinh phí khoảng 28 triệu USD trong giai đoạn 1 (2018-2022) và dự kiến tăng lên 35 triệu USD cho giai đoạn 2 (2023-2027).