Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam vượt mức 40%/năm
Theo Báo cáo, năm 2019, nền kinh tế số khu vực lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ USD, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20% đến 30% hằng năm. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu khu vực với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/năm.
Sự tăng trưởng vượt trội khắp Đông Nam Á đến từ việc số lượng “cư dân trực tuyến” trong khu vực tăng vọt thêm khoảng 100 triệu người so với 4 năm trước. Thị trường khách hàng trên đà tăng trưởng này đã tạo động lực cho các DN trong khu vực tiếp thu và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Theo dự báo, đến năm 2025, nền kinh tế số khu vực sẽ tăng gấp 3, chạm mức 300 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP.
Là khu vực có nhiều người dùng internet gắn kết nhất thế giới, Đông Nam Á đang tự định hình các xu hướng công nghệ. Khi nói đến các dịch vụ như gọi xe công nghệ hay giao món ăn, khu vực này đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Hơn 150 triệu dân trong khu vực hiện đang mua những thứ họ cần qua mạng với giá trị thương mại điện tử hiện tại đạt đến 35 tỷ USD, so với chỉ 5 tỷ USD vào năm 2015 và đang trên đà chạm đến 150 tỷ USD vào năm 2025. Ứng dụng gọi xe công nghệ cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ với 40 triệu người gọi xe, đặt thức ăn và sử dụng các dịch vụ khác theo nhu cầu, so với chỉ 8 triệu người vào năm 2015.
Đối với Việt Nam, Báo cáo cho thấy, nền kinh tế số nước ta năm 2019 đạt giá trị 12 tỷ USD và sẽ bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của sự phát triển này đến từ mảng thương mại điện tử với những “tay chơi” dẫn dắt thị trường như: Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.
Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỷ USD của năm 2015. Dự đoán, GMV ngành này sẽ tăng tới 23 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.
Việt Nam hiện là thị trường thu hút nguồn đầu tư đứng thứ 3 khu vực với 600 triệu USD trong khoảng thời gian từ 2018 đến nửa đầu năm 2019. Trong đó, Hà Nội và TP. HCM lọt top 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Năm nay, mặc dù số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị đạt được cao hơn. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica đến từ các nhà đầu tư quốc tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.
Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone), và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm…
Để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 27/9/2019, Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản hiện hữu như: nguồn nhân lực trình độ cao, vấn đề an ninh mạng, áp lực cạnh tranh từ quá trình hội nhập, năng lực nội tại của DN trong nước... Đúng như nhận định của Giám đốc Quản lý của Google Đông Nam Á, ông Stephanie Davis, việc người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thực hiện hàng triệu tác vụ hằng ngày dẫn đến một sự tăng trưởng chưa từng có của nền kinh tế số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa tiềm năng phi thường của khu vực này.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM Chu Tiến Dũng cho rằng, kinh tế số và 4.0 là cơ hội, nhưng không phải cơ hội cho người giàu hay người nghèo mà là cơ hội cho ai có quyết tâm, chiến lược và trí tuệ. Trước đây, nền kinh tế dựa vào năng lực đầu tư và tiền vốn, thường giàu sẽ thắng nghèo. Hiện nay, Cách mạng công nghệ 4.0 dựa trên nền tảng trí tuệ và năng lực con người, thì sự thành công đối với một quốc gia phụ thuộc vào chính sách.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư - TS. Nguyễn Đình Cung - thẳng thắn: đầu tiên cần phải làm vẫn là thể chế. Thể chế đầu tiên đương nhiên là pháp luật. Pháp luật ở đây, theo ông Cung, là pháp luật về dữ liệu. Coi dữ liệu là một loại tài sản, đảm bảo cho dữ liệu được thu thập, truyền tải, quản lý và sử dụng phục vụ cho sự phát triển, trong đó dữ liệu phải bảo vệ quyền riêng tư của người dân. Bởi vậy, thể chế về dữ liệu là điều đầu tiên phải thiết lập. Thể chế đó phải rất linh hoạt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy các loại hình kinh doanh mới, mô hình kinh doanh mới, ngành nghề kinh doanh mới và sản phẩm mới.
Tại Diễn đàn cao cấp và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 vừa diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: khi cách mạng số, Cách mạng công nghiệp 4.0 xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nó tạo cơ hội cho đổi mới sáng tạo. Các nước như Việt Nam có cơ hội bứt phá nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Quản lý nhà nước và DN đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách và trong cách tiếp cận.
XUÂN HỒNG
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 10-10-2019