Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị trực tuyến các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 13 hồi tháng 8/2020. (Ảnh: TTXVN)
Tối 1/11, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu làm Trưởng đoàn đã tham dự Phiên họp trực tuyến đặc biệt của Hội đồng Điều hành Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU).
Phiên họp diễn ra trong 3 ngày (1-4/11) với chương trình nghị sự quan trọng nhất là bầu Chủ tịch IPU thay thế bà Gabriela Cuevas Barron, người vừa hết nhiệm kỳ vào tháng 10/2020. Phiên họp có sự tham gia của 454 nghị sỹ đến từ 144 đoàn đại biểu, trong đó có 46 Chủ tịch Nghị viện.
Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe và chia sẻ nhiều nội dung trong báo cáo của bà Gabriela Cuevas Barron. Theo đó, những hoạt động của Chủ tịch IPU đã góp phần nâng cao vai trò của IPU trong thúc đẩy thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là trong lĩnh vực phát triển bền vững.
Qua đó, IPU đã phát huy được sức mạnh trong tiếng nói chung, đại diện cho 179 nghị viện thành viên trên toàn thế giới, tham gia vào nghị trình quốc tế vì hòa bình, ổn định, dân chủ, pháp quyền, công bằng và bình đẳng, không ngừng đấu tranh đảm bảo cho quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, thanh niên trên mọi lĩnh vực.
Các đại biểu đánh giá cao những đóng góp của bà Gabriela Cuevas Barron, người đã đi vào lịch sử với tư cách nữ Chủ tịch IPU trẻ nhất. IPU trở thành một biểu tượng của ngoại giao nghị viện, khẳng định mạnh mẽ hơn nữa sức sống của chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh thế giới có những biến đổi hết sức nhanh chóng và phức tạp.
Đoàn Việt Nam đánh giá cao những đóng góp của bà Gabriela Cuevas Barron; tin tưởng rằng đó là những giá trị quý báu mà Chủ tịch IPU kế nhiệm có thể phát huy một cách hiệu quả, vì một nền ngoại giao nghị viện đa phương bền vững.
Phiên họp lần này ghi nhận sự tham gia ứng cử Chủ tịch IPU của 4 ứng cử viên đại diện các nhóm địa chính trị khác nhau, gồm Bồ Đào Nha, Canada, Uzbekistan và Pakistan. Mỗi ứng viên đều đưa ra kế hoạch hành động, tầm nhìn của mình để đưa IPU trở thành tổ chức vững mạnh hơn.
Tầm nhìn của các ứng viên Chủ tịch IPU có nhiều điểm chung cốt lõi, đó là phát triển chủ nghĩa đa phương, phát triển IPU và quan hệ đối tác giữa IPU và Liên hợp quốc, hành động mạnh mẽ hơn vì những vấn đề toàn cầu, trong đó có phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, ngoại giao nghị viện, tăng cường đối thoại và hợp tác giữa các nghị viện.
Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tham gia tích cực tại Phiên họp của Hội đồng điều hành, thể hiện vai trò là thành viên trách nhiệm của IPU, các diễn đàn nghị viện quốc tế và khu vực khác. Việt Nam khẳng định ủng hộ sự phát triển của IPU, thực hiện theo các quy định của IPU đồng thời bảo đảm nguyên tắc luân phiên vì quyền lợi chung của các nghị viện thành viên IPU.
Để chuẩn bị cho phiên họp của Hội đồng điều hành lần thứ 206 này, trước đó vào ngày 30/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên họp trực tuyến của Nhóm ASEAN+3 dưới sự chủ trì của Singapore và Nhóm châu Á-Thái Bình Dương dưới sự chủ trì của Chủ tịch Thượng viện Philippines.
Dự kiến, tại phiên họp Hội đồng điều hành lần này, các đại biểu sẽ thông qua các báo cáo phiên họp Hội đồng Điều hành lần thứ 205 (tháng 10/2019), báo cáo hoạt động của Chủ tịch IPU, báo cáo tóm tắt của Ủy ban Nhân quyền nghị sỹ, báo cáo tóm tắt Hội nghị trực tuyến của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 và Hội nghị Thượng đỉnh các Nữ Chủ tịch Quốc hội thế giới diễn ra từ ngày 17-21/8/2020.
Hội đồng Điều hành cũng sẽ quyết định Báo cáo tài chính IPU năm 2019, dự kiến các hoạt động của IPU và dự toán ngân sách năm 2021. Hội đồng Điều hành IPU cũng xem xét việc tổ chức Đại hội đồng IPU 142 vào năm 2021 tại Maroc nếu điều kiện cho phép./.
Theovietnamplus.vn