Việt Nam - Lào: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế, ngân sách

(BKTO) - Vừa qua, tại tỉnh Nghệ An, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã tiến hành hội đàm với Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào về xây dựng và sửa đổi pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách, phê duyệt kế hoạch đầu tư công...

hoi-dam.jpg
Quang cảnh Hội đàm. Ảnh: baonghean.vn

Tại Hội đàm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh thông tin tới Đoàn công tác của Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính của Việt Nam trong năm 2023.

Theo đó, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng năm 2023, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo…, tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Kinh tế trong nước dần phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tính chung cả năm, GDP tăng 5,05%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của thế giới (2,9%) và mức bình quân của khu vực ASEAN (4,3%). Thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh đồng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm. Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký năm 2023 ước đạt 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 625,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2022. Năm 2023, có 26 dự án được khởi công, 20 dự án được hoàn thành, trong đó có nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được khởi công, góp phần quan trọng phát triển kinh tế cho nhiều vùng, khu vực trên cả nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm lãi suất, giữ ổn định tỷ giá góp phần tăng trưởng kinh tế chung của các nước

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào Leeber Leebouapao cũng thông tin tới Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Ủy ban Kinh tế một số nét nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của Lào và vai trò, hoạt động của Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội gắn liền với chương trình, nội dung tổ chức nghị sự quốc gia giải quyết các vấn đề khó khăn về kinh tế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và Ủy ban Kinh tế chia sẻ một số nội dung liên quan đến việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách; quy trình phê chuẩn và giải quyết các kiến nghị, đề xuất từ phía chính phủ, doanh nghiệp, nhân dân; phân bổ ngân sách cho các dự án đầu tư công; bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật đặc thù kinh tế; kiểm tra, giám sát và xử lý việc thực hiện…

Trên tinh thần mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Quốc hội Việt Nam - Lào, các thành viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và sửa đổi pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, ngân sách, phê duyệt kế hoạch đầu tư công, giám sát tài chính, tiền tệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Tài chính và Kiểm toán của Quốc hội Lào Leeber Leebouapao nhấn mạnh, đây sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu giúp cho đại biểu Quốc hội Lào trong công tác xây dựng chính sách, pháp luật thuộc lĩnh vực tài chính, ngân sách; đề xuất Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiếp tục hỗ trợ, tăng cường trao đổi để thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai Ủy ban, góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam.

Tán thành với đề xuất trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh tin tưởng, hợp tác giữa hai Ủy ban sẽ ngày càng phát triển thực chất hơn, góp phần vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Lào; thống nhất tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa hai Ủy ban, tiếp tục triển khai các hội nghị trao đổi, đặc biệt trong khuôn khổ hoạt động bên lề của hội nghị ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục
Việt Nam - Lào: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế, ngân sách