Đây là nhấn mạnh của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Phiên họp thứ 3 Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) diễn ra vào ngày 27/7, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp.Ảnh: TTXVN |
Phiên họp có sự tham dự của 150 đại biểu đại diện 17 nền kinh tế thành viên APEC. Tại Phiên họp, các đại biểu đã đề xuất các ý kiến để gửi tới các nhà lãnh đạo APEC trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC sẽ diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11 tới.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, trong bối cảnh thế giới và khu vực APEC đang phải đối mặt với những biến động khó lường của dịch bệnh, cạnh tranh địa chính trị, đứt gãy của các chuỗi cung ứng... đòi hỏi các nền kinh tế thành viên APEC cầntăng cường gắn kết, hợp tác hơn nữa.
Do đó, Chủ tịch nước cho rằng, Phiên họp của ABAC chính là cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong khối doanh nghiệp tư nhân APEC, cùng nhau tìm cách phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối lại các chuỗi cung ứng, hướng tới phát triển sáng tạo, bền vững, bao trùm trong khu vực.
Theo đó, Chủ tịch nước mong muốn ABAC sẽ đưa ra nhiều đề xuất, sáng kiến và giải pháp mới, hiệu quả về việc tăng cường thương mại và đầu tư trong APEC với vai trò trung tâm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đồng thời kết nối những chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy, kết nối nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số, xanh hóa sản xuất với các công nghệ xanh; thúc đẩy hợp tác phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính...
Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng nêu những dự báo lạc quan của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) về triển vọng kinh tế Việt Nam. Theo đó, Việt Nam được đánh giá không chỉ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô mà còn phục hồi kinh tế mạnh mẽ với dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6% và năm 2023 đạt 7,2%.
Bên cạnh đó, năm 2021, kim ngạch trao đổi thương mại của Việt Nam đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
IMF cũng đưa ra dự báo đến năm 2025, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, với GDP đạt trên 570 tỷ USD. Việt Nam kiên định và nỗ lực hướng tới năm 2045 sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.
Cùng với đó, Việt Nam đang là một trong những địa điểm đầu tư hấp dẫn của thế giới với gần 35 nghìn dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài(FDI) đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư đạt gần 430 tỷ USD của hàng vạn doanh nghiệp FDI đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Theo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc, hiện Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng đang vươn lên nhóm đầu ASEAN về môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn và tiến tới đạt các tiêu chuẩn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Ngoài ra, Việt Nam còn có thị trường nội địa rộng lớn với gần100 triệu dân và cósức mua ngày càng tăng. Mặt khác, Việt Nam còn tham gia 15 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều tiêu chuẩn cao, ưu đãi thị trường rộng mở như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…
Với các tiềm năng đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây chính là cơ hội rất tốt cho các nhà đầu tư APEC đến với Việt Nam để đầu tư, kinh doanh./.
DIỆU THIỆN