Lần đầu tiên Việt Nam thực hiện nghiên cứu xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo ngành. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á thực hiện nghiên cứu toàn diện về chỉ số này.
Để đưa khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế - xã hội, các quốc gia sử dụng ba mô hình đổi mới sáng tạo, gồm cấp quốc gia, cấp địa phương và cấp ngành.
Việt Nam đã triển khai bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) cấp quốc gia trong 8 năm qua và đã tăng 30 bậc, liên tục hai năm gần đây duy trì vị trí số một và hai trong nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, chỉ đứng sau Ấn Độ. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Theo đó, Việt Nam là quốc gia thứ 4 triển khai bộ chỉ số này.
Các nhà chuyên môn nhận định, việc xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo ngành là rất cần thiết vì chỉ số này sẽ gắn trực tiếp với phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ hữu hiệu, thiết thực với các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp. Bộ chỉ số sẽ đánh giá được năng lực, thực trạng đổi mới sáng tạo các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, ngành đang bị cạnh tranh cao, nguy cơ khó phát triển để từ đó Chính phủ cũng như các ngành, các địa phương có chính sách điều chỉnh, có biện pháp để cải thiện năng suất, nâng cao cạnh tranh. Dựa trên chỉ số đổi mới sáng tạo ngành, các nhà đầu tư trong và ngoài nước hoạch định chiến lược, giải pháp của doanh nghiệp khi lựa chọn các ngành đầu tư.
Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đối tác, chương trình và bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ngành sẽ sớm đạt kết quả và triển khai trong thực tiễn; qua đó cung cấp những công cụ hữu ích cho cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các ngành thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chỉ số đổi mới sáng tạo ngành Việt Nam (VIII) là một trong những sáng kiến tâm huyết của VinUni để hiện thực hóa sứ mệnh kiến tạo sự thay đổi.
Ý tưởng này của VinUni đã nhận được sự ủng hộ của Giáo sư Soumitra Dutta, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd, Đại học Oxford (Vương quốc Anh), cha đẻ Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) và là thành viên của Hội đồng Giải thưởng VinFuture. Do đó, VinUni và Viện Portulans (do Giáo sư Soumitra Dutta thành lập và chủ trì) đã phối hợp thực hiện Dự án Nghiên cứu đổi mới sáng tạo ngành Việt Nam nhằm cung cấp sự hiểu biết toàn diện về đổi mới trong ngành công nghiệp của Việt Nam.
Việt Nam đang có thương hiệu tốt từ nước ngoài. Thế giới đánh giá cao văn hóa làm việc chăm chỉ của người dân cùng sự phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam ứng dụng mạnh mẽ chỉ số sáng tạo toàn cầu, đặc biệt đã xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh. Trên nền tảng này, cần chú trọng hơn nữa đến đổi mới sáng tạo cấp ngành theo hướng tập trung vào thị trường - một trong những điều kiện tiên quyết cho sự phát triển mang tính đột phá của nền kinh tế quốc gia.
Dự án triển khai cách tiếp cận phân tích hai lớp. Lớp thứ nhất là những yếu tố ảnh hưởng đến tất cả các ngành trong một quốc gia. Lớp thứ hai là các yếu tố mang tính đặc thù của từng ngành.
Các lớp sử dụng hai bộ chỉ số theo hai trụ cột, gồm bộ chỉ số về sản xuất (đầu vào) và bộ chỉ số về đổi mới sáng tạo (đầu ra). Trong đó, chỉ số đầu vào là những yếu tố tạo tiềm năng để đổi mới sáng tạo, chỉ số đầu ra là kết quả tác động của đổi mới sáng tạo lên môi trường, xã hội.
Các chỉ số giúp thông tin rõ nội hàm và động lực đổi mới sáng tạo của từng ngành một cách cụ thể và tường minh thay vì chỉ nắm chung chung.
Hiện tại, Đông Nam Á chưa có quốc gia nào xây dựng chỉ số đổi mới sáng tạo ngành một cách toàn diện theo phương pháp này. Do đây là nghiên cứu mới nên dù đã triển khai dự án tại VinUni được một năm và có báo cáo thử nghiệm tiền khả thi nhưng việc nghiên cứu sẽ tiếp tục thực hiện trong khoảng một năm nữa. Đây là giai đoạn rất quan trọng, cần phải triển khai bài bản, chi tiết hơn. Cũng cần có thời gian để bộ chỉ số tiếp tục được hoàn thiện, công nhận và ứng dụng rộng rãi./.