Việt Nam - Nhật Bản hợp tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả

(BKTO) - Thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý rất nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sản phẩm Nhật Bản tại Việt Nam. Trong thời gian tới, Việt Nam - Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác để đẩy mạnh công tác chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đây là chủ đề được trao đổi tại Hội thảo “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Việt Nam - Nhật Bản” do Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 28/02, tại Hà Nội.

20240228_134410.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: D.THIỆN

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong thời gian qua, các lực lượng thực thi pháp luật trong đó có lực lượng quản lý thị trường đã triển khai nhiều biện pháp, xây dựng nhiều kế hoạch kiểm tra, kiểm soát chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả và gian lận thương mại.

Điển hình, năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã thanh tra, kiểm tra 71.928 vụ, phát hiện, xử lý 52.351 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 501 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giai đoạn 2021-2023, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý hàng nghìn vụ việc liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm của Nhật Bản.

Cụ thể, mặt hàng mỹ phẩm có 123 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 959 triệu đồng; thực phẩm chức năng có 31 vụ, xử phạt 226 triệu đồng.

Đối với đồ điện gia dụng, mặt hàng vốn được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện xử lý 95 vụ, xử phạt trên 1,6 tỷ đồng; ngành hàng thời trang có 93 vụ bị xử lý, xử phạt trên 1,3 tỷ đồng và nhiều nhất là các sản phẩm phụ tùng xe máy với 611 vụ bị xử lý, xử phạt hơn 4,2 tỷ đồng…

Dù đạt được những kết quả tích cực, song ông Bình cho rằng tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến rất phức tạp. Trong đó có nhiều nguyên nhân như: phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng tinh vi; việc kiểm tra, xử lý của các lực lượng thực thi gặp không ít khó khăn trong cách nhận biết hàng thật, hàng giả. Mặt khác, một số cơ chế thực thi còn chồng chéo; nguồn lực cho công tác phòng, chống hàng giả còn hạn chế…

Từ thực trạng trên, đề xuất các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm Nhật Bản, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường, Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản có sản phẩm bán tại thị trường Việt Nam cần tăng cường phối hợp, cung cấp thông tin và cử đầu mối đại diện pháp lý để hỗ trợ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của Tổng cục Quản lý thị trường.

Bên cạnh đó, Tổng cục và JPO cần phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, các cuộc trao đổi, gặp gỡ giữa các chủ thể quyền, đại diện chủ thể quyền các nhãn hiệu Nhật Bản tại Việt Nam để tạo cơ sở phối hợp trong thời gian tới.

Cùng với đó, hai bên cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm của JPO và các cơ quan chức năng của Nhật Bản trong đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo chuyên môn phòng, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quản lý, giám sát hoạt động thương mại điện tử…

Từ phía Nhật Bản, ông Shige Watanabe - Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, tình trạng hàng giả, hàng nhái nổi cộm tại Việt Nam sẽ tác động tiêu cực đến quá trình hình thành một thị trường lành mạnh và ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản.

Do đó, Phó Đại sứ bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng Việt Nam sẽ tăng cường việc kiểm tra, xử lý các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có các sản phẩm của Nhật Bản, qua đó hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của hơn 200 doanh nghiệp Nhật Bản tại thị trường Việt Nam, cũng như giúp các doanh nghiệp có thể yên tâm đầu tư, phát triển và mở rộng thị trường tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Triển lãm hàng mẫu sản phẩm chính hãng - sản phẩm giả.

20240228_134841.jpg
Sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng của Nhật Bản bị làm giả tại thị trường Việt Nam. Ảnh: D.THIỆN

Đại diện 06 thương hiệu đến từ Nhật Bản bao gồm: ASICS, Kikkoman, Kubota, Kokuyo, Daiichi Sankyo Healthcare, Panasonic đã chia sẻ thông tin về tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng trên thị trường Việt Nam hiện nay; đồng thời giới thiệu, hướng dẫn chi tiết về cách nhận biết sản phẩm thật - sản phẩm giả. 

Ngoài ra, phía Nhật Bản đã trao Cẩm nang Xác thực/Giả mạo, hướng dẫn nhận biết sản phẩm thật - sản phẩm giả của chủ sở hữu thương hiệu Nhật Bản cho các cơ quan chức năng của Việt Nam, để các đơn vị sử dụng trong đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và thực hành trong quá trình thực thi công vụ./.

Cùng chuyên mục
Việt Nam - Nhật Bản hợp tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn chặn hàng giả