Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng!

(BKTO) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

3.1(2).jpg
Lá cờ Quyết chiến Quyết thắng và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được diễu hành mừng chiến thắng tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Ảnh: ST

Để lại nhiều bài học quý cho cách mạng Việt Nam

70 năm về trước, với phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, trải qua “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn!” của quân và dân ta, Lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam đã hiên ngang tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch vào ngày 07/5/1954. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, đập tan dã tâm xâm lược của các thế lực đế quốc, thực dân; buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (21/7/1954) về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là kết tinh của sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là chiến thắng của chính nghĩa, của lòng dân, của lương tri và phẩm giá con người, được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo; bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; từ truyền thống yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết đã được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử, được Nhân dân các dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước phát huy cao độ và tận tâm, tận lực dốc sức, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Đặc biệt, góp phần trực tiếp làm nên chiến thắng là sự cống hiến, hy sinh to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng - một đội quân “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu” với trên 4 vạn cán bộ, chiến sỹ đã tham gia Chiến dịch. Những tấm gương chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng trên chiến trường là minh chứng sinh động cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam và lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.

Để có được Chiến thắng Điện Biên Phủ, đã có 3.168 người tham gia công tác hậu cần, được phân bổ tại 7 đội điều trị, 1 đội vận tải ô tô 446 xe, 18 binh trạm và trạm điều chỉnh giao thông, kho quân nhu, quân khí. Lực lượng tăng cường, gồm: 4 tiểu đoàn công binh sửa đường, 2 đại đội thông tin, 2 tiểu đoàn 37mm và đại đội 12,7mm. 261.453 dân công tham gia chiến dịch với 3 triệu ngày công, 20.991 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 500 ngựa thồ; 18.200 cán bộ và đội viên thanh niên xung phong. Lượng lương thực, thực phẩm cung cấp trong chiến dịch, gồm: 25.056 tấn gạo, 907 tấn thịt, 917 tấn thực phẩm khác. Có 71 tấn quân trang; 1.783 tấn xăng dầu; 55 tấn thuốc và dụng cụ quân y; 30.759 tấn vũ khí, đạn dược được cung cấp cho Chiến dịch.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, tạo tiền đề cho những chiến công, thắng lợi tiếp theo của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, Nhân dân ta đã lựa chọn.

Đã 70 năm kể từ ngày lá cờ của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm của tướng De Castries, Việt Nam ngày nay tiếp tục là tấm gương về bảo vệ chủ quyền trong thời bình và là hình mẫu thành công trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Tinh thần Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên ý nghĩa đối với nhân dân Cuba trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chủ quyền.

Đại sứ Cuba tại Việt Nam
Orlando Hernandez Guillen

70 năm đã trôi qua, nhưng những bài học kinh nghiệm đó vẫn vẹn nguyên giá trị cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Trong Diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đúc kết: Một là, xác định đường lối kháng chiến đúng đắn, tiến hành chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, vừa kháng chiến vừa kiến quốc, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Hai là, phát huy tinh thần yêu nước và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Ba là, phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, xác định đúng đường lối chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Việt Nam. Bốn là, xây dựng và củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nòng cốt là liên minh công nhân - nông dân - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Năm là, kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.

Tiếp tục lập nên nhiều “Điện Biên Phủ mới”

Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, viết tiếp bản hùng ca thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách, như: Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 và đỉnh cao là đại thắng mùa Xuân năm 1975 với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

3.2(1).jpg
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: ST

70 năm trôi qua, kỳ tích Điện Biên Phủ tiếp tục là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, chúng ta đã lập nên nhiều “Điện Biên Phủ mới” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, trong gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nắm bắt thuận lợi, thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, ý chí quyết tâm, bản lĩnh, sáng tạo, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, chịu nhiều đau thương, mất mát nhất sau chiến tranh, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; GDP bình quân đầu người tăng 58 lần so với thời kỳ đầu đổi mới, đạt 4.300USD năm 2023; thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất toàn cầu. Việt Nam được Liên hợp quốc công nhận là một trong những nước đi đầu trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và đang nỗ lực cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG). Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 nước, mở rộng quan hệ kinh tế, thương mại với 230 quốc gia, vùng lãnh thổ và là hình mẫu của hàn gắn và khôi phục vết thương sau chiến tranh. Tình hình chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; gìn giữ được môi trường hòa bình, ổn định và thuận lợi cho hợp tác phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong Diễn văn kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc ta với tinh thần Điện Biên Phủ bất diệt, những khó khăn được tháo gỡ, những thách thức sẽ vượt qua để viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng với tất cả sự quyết tâm, sự kiên trì, bền bỉ, nhiệt huyết, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước của các thế hệ hôm nay và mai sau….Toàn thể chúng ta, với tất cả trách nhiệm, lý trí và nghị lực, hãy sống, làm việc, cống hiến hết sức mình; hãy nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, niềm tin, lòng yêu nước nồng nàn trong từng nhịp đập của mỗi trái tim; hãy góp sức, nỗ lực nhiều hơn nữa cho Tổ quốc, cho xã hội, cho cộng đồng, cho gia đình và bản thân; hãy cùng nhau kề vai, sát cánh, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu ngày càng hùng cường, thịnh vượng./.

Cùng chuyên mục
Viết tiếp những bản hùng ca chiến thắng!