Viettel cần góp phần xây dựng dữ liệu quốc gia, phát triển viễn thám, logistics, thương mại điện tử

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu này khi đến thăm, làm việc với Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), sáng 16/8.



                
   

Quang cảnh cuộc làm việc. Ảnh: Chính phủ

   

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh của Viettel, Đại tá Tào Đức Thắng - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel - nhấn mạnh, sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, đến nay Viettel đã trở thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu tại Việt Nam với ngành nghề kinh doanh chính gồm: Viễn thông; giải pháp công nghệ thông tin và dịch vụ số; nghiên cứu sản xuất công nghệ cao; thương mại điện tử & logistics.

Viettel là doanh nghiệp nhà nước tiên phong trong thực thi chiến lược quốc gia về lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Luôn là doanh nghiệp hiệu quả nhất, lợi nhuận trước thuế các năm gần đây của Viettel luôn duy trì trên 40.000 tỷ/năm, tỷ suất lợi nhuận trước thuế/doanh thu luôn duy trì trên 25%.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng đã có một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan về các cơ chế chính sách để tạo động lực phát triển, giúp Viettel thực hiện thành công chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, đồng thời tiếp tục trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyến thăm và làm việc với Viettel nhằm kiểm tra, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, chương trình phục hồi và phát triển, chương trình chuyển đổi số, phát triển xanh, phát triển năng lượng sạch.

Qua kiểm tra và lắng nghe báo cáo, ý kiến phát biểu, Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự phát triển nhanh và bền vững của Viettel, đã chuyển đổi mô hình rất thành công từ chủ yếu phục vụ quốc phòng sang mô hình lưỡng dụng, vừa phục vụ quốc phòng, vừa phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, đúng hướng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Năm 2022 và những năm tiếp theo, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp. Thủ tướng giao nhiệm vụ và mong muốn Viettel kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp, tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; tiếp tục đổi mới sáng tạo, vươn lên, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, kiểu mẫu, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.

Luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân, trực tiếp là Trung ương, Quân ủy Trung ương, Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao phó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm, xây dựng một tập đoàn công nghiệp-viễn thông đóng góp tích cực cho hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về công việc cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, Viettel phải quyết tâm thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cụ thể, trực tiếp cho Tập đoàn. Trong đó, có việc nghiên cứu, sản xuất chip phục vụ đắc lực, hiệu quả chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, là một trong những tập đoàn đóng vai trò dẫn dắt quá trình này, làm trung gian thanh toán chuyển mạch, bù trừ điện tử.

Cùng với đó, Viettel cần góp phần xây dựng dữ liệu quốc gia, tăng cường an ninh, an toàn mạng, an toàn viễn thông; phát triển các lĩnh vực viễn thám, logistics và thương mại điện tử.

Thủ tướng đề nghị Tập đoàn tổng kết thực tiễn, triển khai đầu tư ra nước ngoài chắc chắn, thận trọng, hiệu quả, đúng quy định của Việt Nam và pháp luật nước sở tại; góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển, xây dựng quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, đầu tư cho những nơi khó khăn theo hướng lưỡng dụng vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.

Tham gia tích cực vào chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch, phát triển kinh tế xanh, thích ứng biến đổi khí hậu. Góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, đổi mới quản trị quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho ý kiến cụ thể với các nội dung đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn. Những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách và trách nhiệm của các Bộ, ngành địa phương, giao các đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất, giải quyết theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định./.
         
Hai năm liên tiếp (2020, 2021), Viettel là doanh nghiệp Việt Nam có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Viettel đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trong số các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022.
HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
Viettel cần góp phần xây dựng dữ liệu quốc gia, phát triển viễn thám, logistics, thương mại điện tử