Tham gia sự kiện có các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế và hơn 500 đại diện các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam.
Theo nhận định của Ban tổ chức, trong năm qua, bối cảnh khó khăn từ tình hình kinh tế toàn cầu cũng như trong nước đã tác động lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê từ danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam của Vietnam Report, tổng doanh thu của cả ba lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng, Dịch vụ và Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản năm 2023 đều có sự gia tăng so với năm 2022.
Trong đó, ngành Công nghiệp - Xây dựng vẫn là một trong những động lực phát triển của ngành kinh tế, và hoạt động Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Thủy sản vẫn giữ được đà cải thiện đáng kể so với năm trước.
Xét về các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp trong bảng xếp hạng năm nay, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) bình quân và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt tăng 0,2% và 4,1% so với năm trước.
Ngược lại, tỷ suất sinh lời trên doanh thu (ROS) bình quân ghi nhận mức giảm 0,4% xét trên tổng thể.
Tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong các ngành kinh tế trọng điểm như Dược, Logistics, Du lịch, Khách sạn - Resort, Thức ăn chăn nuôi… cũng cải thiện dù còn nhiều khó khăn.
Trừ ngành Logistics chịu nhiều tác động từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự tăng trưởng khi các doanh nghiệp dược ngày càng quan tâm đến việc cải tiến nghiên cứu, sản xuất, áp dụng công nghệ mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của xã hội. Việt Nam cũng vừa chứng kiến một năm “bùng nổ” của thị trường du lịch về số lượng khách nội địa cùng quốc tế tăng mạnh.
Đối với ngành Thức ăn chăn nuôi, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, sữa, trứng ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thức ăn chăn nuôi có chất lượng.
Nhìn chung, nếu vượt qua được khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp sẽ nắm bắt được cơ hội lớn để trở thành động lực chính cho nền kinh tế, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng trong và ngoài nước.
Có thể thấy được những nỗ lực của Việt Nam với con đường phục hồi đang ngày càng rõ nét hơn. Trong đó, những nỗ lực thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chiến lược quản trị của các doanh nghiệp sẽ là tiền đề cho một năm 2024 khả quan hơn khi tình hình kinh tế dần được cải thiện.
Đặc biệt, việc xây dựng được một thương hiệu mạnh sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, giúp doanh nghiệp phục hồi mạnh mẽ và phát triển bền vững trong tương lai.
Đáp ứng xu thế thời đại, trong khuôn khổ sự kiện, Ban tổ chức đã có buổi tọa đàm về chủ đề “Dẫn đầu kỷ nguyên chuyển đổi số: Từ bài học toàn cầu đến ứng dụng tại Việt Nam” với sự góp mặt của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước.
Nhân dịp này, Vietnam Report xuất bản Sách trắng Kinh tế Việt Nam 2023 với chủ đề “Cộng hưởng nỗ lực, tạo đà bứt phá”. Cùng với việc tổng kết những thành quả đạt được trong năm qua, Báo cáo cũng đưa ra một số dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Sách trắng cũng đề cập đến một số gợi ý về chính sách kinh tế, bài học kinh nghiệm và đề xuất chiến lược kinh doanh nhằm giúp các doanh nghiệp hình thành khung đánh giá khả năng phục hồi những nguồn lực quan trọng, qua đó vượt qua khó khăn hiện tại và tạo đà bứt phá trong tương lai.