(BKTO) - Chặng đường xây dựng và phát triển của KTNN từ khi thành lập đến nay trải qua nhiều khó khăn, thách thức, song đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận, nhất là việc KTNN được hiến định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngay trước thềm KTNN bước vào tuổi 20.




Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn.
Với sự phát triển về mọi mặt, kết quả hoạt động của KTNN đã đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, cải cách hành chính công, làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công, khẳng định vị trí, vai trò của KTNN trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập của đất nước; hoạt động kiểm toán và công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đã góp phần ý nghĩa tạo dựng lòng tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhân dân và xã hội nói chung.

Những ngày đầu thành lập, cơ cấu tổ chức của KTNN mới chỉ có 5 đơn vị là Văn phòng KTNN và 4 KTNN chuyên ngành. Sau 15 năm hoạt động, đặc biệt là sau khi Luật KTNN được ban hành năm 2005 và có hiệu lực thi hành đầu năm 2006, KTNN đã phát triển mạnh mẽ với 25 đơn vị cấp Vụ và tương đương. Đến nay, KTNN đã phát triển lên 31 đơn vị trực thuộc, gồm 7 đơn vị tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 3 đơn vị sự nghiệp; đồng thời vẫn đảm bảo là một mô hình tập trung gọn nhẹ.

Về lực lượng, khi mới thành lập, biên chế của KTNN chỉ có 60 người. Đến năm 2009 toàn ngành đã có trên 1.300 người, và được liên tục phát triển trong những năm gần đây. Tính đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN đã có 1.974 người, trong đó có 1.410 kiểm toán viên. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức của KTNN hiện có trình độ tương đối đồng đều với 100% kiểm toán viên có trình độ từ đại học trở lên, trong đó 441 người có trình độ trên đại học.

Từ một cơ quan không có tiền thân, do Chính phủ thành lập năm 1994, sau khi Luật KTNN có hiệu lực thi hành, địa vị pháp lý của KTNN được xác định là cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đến năm 2010, UBTVQH12 đã ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, tạo cơ sở quan trọng và xác định mục tiêu, định hướng cho phát triển KTNN giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài.

Bên cạnh đó, một mốc son đặc biệt nữa trong lịch sử 20 năm phát triển KTNN chính là việc Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung Điều 118 để hiến định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán Nhà nước. Sự kiện trọng đại này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan do Luật định thành cơ quan được Hiến định. Trên cơ sở này, KTNN đang tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sửa đổi toàn diện Luật KTNN và các văn bản pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho tổ chức và hoạt động của KTNN.

Cùng với hệ thống văn bản luật pháp và nghề nghiệp đã ban hành, đến nay KTNN đã ký quy chế phối hợp và thoả thuận hợp tác với 14 Bộ, cơ quan Trung ương và 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN. Các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị được kiểm toán ngày càng nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của KTNN; thấy được tác động tích cực của hoạt động kiểm toán đối với quản lý kinh tế - tài chính ở mỗi đơn vị cũng như tính minh bạch, bền vững của nền tài chính quốc gia, ngày càng thân thiện, ủng hộ và phối hợp tốt hơn với KTNN.

Từ khi thành lập đến nay, chất lượng mọi mặt hoạt động chuyên môn của KTNN cũng đã được nâng cao qua từng năm. Cụ thể, công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán ngày càng được hoàn thiện, quy mô kiểm toán mỗi năm được tăng dần một cách hợp lý; bên cạnh kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ đã từng bước mở rộng loại hình kiểm toán hoạt động; tăng cường kiểm toán chuyên đề; chú trọng triển khai kiểm tra việc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán...

Trên cơ sở đó, chất lượng kiểm toán của KTNN cũng được nâng lên, ngày càng cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị trong thực tiễn. Quốc hội đã sử dụng kết quả kiểm toán để phê chuẩn quyết toán NSNN, phục vụ cho hoạt động giám sát, xem xét sửa đổi các luật đã ban hành không còn phù hợp với thực tế hoặc có vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện...; HĐND các cấp căn cứ kết quả kiểm toán để phê duyệt quyết toán, giám sát, chỉ đạo việc điều hành quản lý, sử dụng ngân sách của chính quyền địa phương; các Bộ, cơ quan T.Ư đã sử dụng kết quả kiểm toán trong việc cải thiện công tác quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN; các tập đoàn, tổng công ty sử dụng kiến nghị của KTNN để tăng cường công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ năm 1994 đến năm 2013, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính gần 150 nghìn tỷ đồng, chủ yếu là tăng thu và giảm chi NSNN, ghi thu - ghi chi để quản lý qua NSNN.

Đặc biệt, qua kết quả kiểm toán, tính riêng từ năm 2006 đến nay, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 474 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp thực tế. Ngoài ra, KTNN còn đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện các luật, như: Luật NSNN; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Phòng, chống tham nhũng;... qua đó thiết thực thực hiện chức năng tư vấn của cơ quan kiểm tra tài chính Nhà nước. Tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng, những năm qua, nhất là 5 năm trở lại đây, KTNN đã chủ động chuyển sang cơ quan điều tra, thanh tra 11 vụ việc có dấu hiệu phạm pháp để tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể KTNN tại Hội nghị triển khai chương trình công tác năm 2014 của KTNN. Ảnh: THANH TÙNG

Về hoạt động quan hệ và hợp tác quốc tế, đến nay KTNN đã trở thành thành viên chính thức của một số tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao quan trọng trên thế giới và khu vực, như INTOSAI, ASOSAI và ASEANSAI; đã ký kết 22 thỏa thuận hợp tác với các SAI, trong đó nhiều SAI giữ vai trò chủ chốt trong INTOSAI và ASOSAI... Hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng thực chất, có chiều sâu, đi vào các vấn đề chuyên môn phục vụ các nhu cầu cấp thiết trong phát triển ngành.

Đồng thời, trên các mặt công tác nghiên cứu và thông tin khoa học, thông tin báo chí, xây dựng cơ sở vật chất và đảm bảo hoạt động kiểm toán,... của KTNN cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần hoàn thành nhiệm vụ được giao.

KTNN đạt được những kết quả công tác trên đây có nhiều nguyên nhân, nhưng có thể khẳng định vai trò lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, của Đảng bộ KTNN có vị trí then chốt. Đảng ủy KTNN đã thường xuyên tập trung chỉ đạo, huy động sức mạnh đồng bộ của cả hệ thống chính trị, đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội và Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương, sự phối hợp công tác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh và các Bộ, ban, ngành nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà trọng tâm là lãnh đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm toán, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của KTNN trong cơ cấu bộ máy Nhà nước.

Trong 20 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân ngành KTNN đã được biểu dương khen thưởng ở các cấp khác nhau, trong đó có nhiều tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước tặng Huân chương, Chính phủ tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, Thủ tướng tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” và “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”. Nhân kỷ niệm 20 năm thành lập, KTNN đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì.

Trong giai đoạn tới, để bảo đảm yêu cầu phát triển trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”.

Trên tinh thần đó, cùng với việc chỉ ra những hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm qua 20 năm hoạt động, định hướng phát triển KTNN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được xác định với những nội dung chính như sau: Hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN; xây dựng và triển khai thực hiện tốt một loạt các chiến lược quan trọng về đổi mới nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch; về phát triển tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; phát triển khoa học - công nghệ thông tin; hội nhập và hợp tác quốc tế về KTNN.

Với quyết tâm mạnh mẽ nhất để thực hiện thành công Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN sẽ tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ KTNN thực sự trong sạch, vững mạnh.

Giai đoạn trước mắt, toàn ngành sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017 đã ban hành với 8 mục đích chiến lược được xác định trên cơ sở lựa chọn để thực hiện một số hoạt động quan trọng, mang tính ưu tiên cao thuộc Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.

Chặng đường phát triển tiếp theo vẫn sẽ là thử thách lớn lao đối với KTNN, song với tinh thần phát huy truyền thống đáng tự hào cùng những thành tích đã đạt được, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động KTNN nguyện chung sức, đồng lòng xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có uy tín, có trách nhiệm với đất nước, cộng đồng quốc tế; xứng đáng với niềm tin, sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

NGUYỄN HỮU VẠN - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước
Cùng chuyên mục
Vinh dự, tự hào vững bước đi lên