Ngày 19/01/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã có Kế hoạch số 09/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Mục tiêu của Kế hoạch là cải thiện thứ hạng Chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2024 thuộc nhóm Tốt của cả nước. Tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập, phấn đấu năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 510 doanh nghiệp thành lập mới; giảm số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, phấn đấu đến cuối năm 2024 số doanh nghiệp giải thể tăng dưới 10% so với năm 2023.
Cũng theo Kế hoạch này, tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng trưởng cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo tinh thần kiến tạo, phát triển, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Phấn đấu thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thành lập mới và đăng ký thay đổi không quá 1 ngày (rút ngắn 2 ngày so với quy định).
Tĩnh Vĩnh Long sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp các dịch vụ công; thực hiện tích hợp, cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần, toàn trình của tỉnh trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Phấn đấu thực hiện cấp đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử trong năm 2024 đạt từ 80% hồ sơ trở lên. Đẩy mạnh thực hiện phương thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ứng dụng phương thức kinh doanh mới, thực hiện chuyển đổi số để phục hồi sản xuất, kinh doanh; tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, các cấp, các ngành tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, tỉnh tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng nông thôn mới, các lĩnh vực phát triển trọng điểm của tỉnh; phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp;
Triển khai hiệu quả các gói tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Rà soát, kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế đảm bảo đúng đối tượng, chính sách, quy định.
Bên cạnh đó, tĩnh cũng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Rà soát, tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực hoạt động, mở rộng các thị trường tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp.
Nâng cao hiệu quả các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; chú trọng giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, thủ tục hành chính..../.