Hỗ trợ các nước thu nhập thấp ứng phó khủng hoảng toàn cầu
Trả lời phỏng vấn báo giới ngày 23/5, bà Anna Bjerde - Giám đốc Điều hành (WB) cho biết sẽ tập hợp sự hỗ trợ của các nhà tài trợ cho một cơ chế ứng phó khủng hoảng mới thành lập để giúp các nước nghèo nhất thế giới ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu chồng chéo, trong đó có các sự kiện khí hậu cực đoan.
Bà bày tỏ hy vọng có thể thực hiện điều này “vào cuối năm” tại hội nghị thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Maroc tháng 10 tới.
Bà Bjerde nhấn mạnh: “Chúng ta cần có các khoản hỗ trợ từ các nước phát triển và các nước có thu nhập cao, các nước giàu, để hỗ trợ các nước có thu nhập thấp,” đồng thời cho biết sẽ cần nhiều tỷ USD cho cơ chế trên.
Cơ chế ứng phó khủng hoảng trên thuộc Quỹ Hỗ trợ phát triển quốc tế (IDA) - quỹ của WB dành cho các nước nghèo nhất, vốn đang cạn kiệt đi nhanh chóng do đại dịch COVID-19. WB muốn tăng khoản vay để đảm bảo giải quyết tốt hơn các vấn đề như biến đổi khí hậu, dịch bệnh và xung đột.
Bà Bjerde nhấn mạnh: “Chúng ta cần tiếp tục nỗ lực thực hiện cái được gọi “lộ trình tiến triển” - một ngân hàng không chỉ tốt hơn mà còn lớn hơn.”
“Lộ trình tiến triển” của WB kêu gọi ban điều hành đưa ra các đề xuất cụ thể để thay đổi sứ mệnh, cách thức vận hành và năng lực tài chính của ngân hàng. Lộ trình này cũng đưa ra các khả năng khai thác, như tăng vốn mới để có thêm các khoản cho vay và công cụ tài chính mới.
Bà Bjerde cho biết: “Ban điều hành WB đã nỗ lực rất nhiều để tìm mọi khả năng tối ưu hóa vốn và giải phóng các nguồn lực từ bên trong trước tiên, thông qua tối ưu hóa cán cân thanh toán…"
Tháng Tư vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen gợi ý rằng WB tiếp theo cần có các bước thay đổi, cho phép các ngân hàng tư và cơ chế cho vay được áp dụng cho các thực thể dưới cấp trung ương, như các thành phố và chính quyền địa phương.
Bà Yellen cho rằng “đây cần phải là một phần của giải pháp và bộ công cụ, vì chúng ta cần phối hợp với cả các chính phủ trung ương và chính quyền địa phương để có thể giải quyết một số nhu cầu cấp bách và ưu tiên khẩn cấp”.
Thế giới huy động được 95 tỷ USD từ phí khí thải năm 2022
Cũng trong một báo cáo của WB ngày 23/5, các quốc gia đã huy động được mức kỷ lục 95 tỷ USD vào năm 2022 khi tính phí các công ty phát thải khí CO2, tăng so với khoảng 84 tỷ USD thu được vào năm 2021.
Tuy nhiên, mức phí vẫn còn quá thấp để thúc đẩy những thay đổi cần thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
Jennifer Sara - Giám đốc Toàn cầu về Biến đổi khí hậu tại WB, cho biết ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, các chính phủ đang ưu tiên các chính sách định giá carbon trực tiếp để giảm lượng khí thải. Nhưng để thực sự thúc đẩy sự thay đổi ở quy mô cần thiết, cần những tiến bộ lớn cả về phạm vi định giá.
Một số quốc gia đang sử dụng chính sách áp giá đối với lượng khí thải carbon để giúp đáp ứng các mục tiêu về khí hậu dưới hình thức thuế hoặc theo hệ thống giao dịch khí thải (ETS).
Hiện có 73 công cụ định giá carbon đang được áp dụng trên toàn cầu, tăng so với mức 68 công cụ khi WB công bố báo cáo vào tháng 5/2022, áp dụng đối với khoảng 23% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.
Năm 2017, một báo cáo của Ủy ban Cấp cao về Giá Carbon chỉ ra rằng giá carbon cần phải ở mức 50-100 USD/tấn vào năm 2030 để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C, mức cao nhất của giới hạn đã được thống nhất theo Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu.
Báo cáo của WB cho biết điều chỉnh theo lạm phát, giá khí thải hiện tại sẽ cần nằm trong khoảng 61-122 USD/tấn.