Xác định rõ trọng tâm trong ngoại giao kinh tế

(BKTO) - Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chiều 18/3, tiếp tục chương trình Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

thanh-son.jpg
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: VPQH

6 nhóm giải pháp trọng tâm

Phát biểu tại Phiên chất vấn, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên cả 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao, trong đó có cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.

“Đối ngoại và ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - Bộ trưởng khẳng định.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đặt câu hỏi: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, quan hệ giữa nước ta với các đối tác trong khu vực thời gian tới có những thời cơ và thách thức gì? Bộ Ngoại giao đã và sẽ tham mưu Chính phủ có các kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác thương mại lớn chủ chốt của Việt Nam như thế nào và hỗ trợ gì cho các địa phương trước những thời cơ và thách thức mới?

Trả lời đại biểu Lê Hữu Trí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác đã tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu Nhân dân, du lịch…

Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới:

Thứ nhất, phải phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, Bộ, ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.

Thứ hai, tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, bao gồm xuất khẩu, đầu tư, du lịch…

Thứ ba, đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng.

Thứ tư, hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.

Thứ năm, phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước ta.

Thứ sáu, tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương để duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất. Đây là yếu tố rất quan trọng trong thời gian tới, bởi nếu đứt gãy các chuỗi cung ứng, chúng ta sẽ gặp khó khăn, thách thức.

Đảm bảo cơ sở hạ tầng cho lưu thông hàng hóa, con người giữa Việt Nam với các nước

Trả lời chất vấn của đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) về tình hình triển khai thực hiện, lộ trình và giải pháp thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác, thu hút đầu tư để các địa phương biên giới có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao xác định, việc hoàn thành phân giới cắm mốc với các nước láng giềng đạt thành quả quan trọng nhất là đã bảo vệ được đường biên vững chắc, lâu dài. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải khai thác được đường biên giới hòa bình hữu nghị đó, chuyển thành hợp tác cùng phát triển, cùng có lợi.

180320240207-chu-thi-hong-thai.jpg
Đại biểu Quốc hội Chu Thị Hồng Thái đặt câu hỏi chất vấn từ điểm cầu Lạng Sơn. Ảnh: VPQH

Vì vậy, Bộ Ngoại giao đã nhanh chóng phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng các quy hoạch tất cả các cửa khẩu. Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương và đối tác để nâng cấp các cửa khẩu, đảm bảo cơ sở hạ tầng cho việc lưu thông hàng hóa, con người giữa Việt Nam với các nước.

Đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) quan tâm tới kết quả của việc triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa, quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng thương hiệu của Việt Nam nói chung và của các địa phương nói riêng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, hoạt động ngoại giao văn hóa không chỉ giúp quảng bá được hình ảnh của đất nước, các địa phương, con người Việt Nam ra thế giới và ngược lại qua giao lưu văn hóa cũng tiếp thu những tinh hoa văn hóa của thế giới, bạn bè quốc tế.

Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chủ động hợp tác phối hợp với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO).

Ở cấp độ quốc gia, các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng giúp tạo dấu ấn rất quan trọng, thân thiện với bạn bè; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao của chúng ta thời gian qua cũng được tô đậm bởi những hoạt động ngoại giao văn hóa.

Ngoài ra, thời gian qua, các địa phương trên cả nước đều chú ý đến việc xây dựng hình ảnh thương hiệu cũng như quảng bá hình ảnh trong các lễ hội, được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.

Cùng chuyên mục
Xác định rõ trọng tâm trong ngoại giao kinh tế