Theo Ban Chỉ đạo, Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã bước đầu đi vàocuộc sống - Ảnh:molisa.gov.vn |
Chính sách hỗ trợ bước đầu đi vào cuộc sống
Theo Báo cáo của Ban Chỉ đạo, qua gần một tháng triển khai, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ (Nghị quyết 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Cính phủ (Quyết định 23) đã bước đầu đi vào cuộc sống.
Ở cấp Trung ương, Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành liên quan đã tích cực ban hành Hướng dẫn để triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và người NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Văn phòng Chính Phủ xây dựng hệ thống biểu mẫu, báo cáo thu thập thông tin tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23; tổ chức các Hội nghị giao ban trực tuyến trên toàn quốc; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên báo, đài; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc và phân công trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị; thành lập Tổ công tác đặc biệt khu vực phía Nam.
Tại địa phương, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã ban hành kế hoạch/quyết định/hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch/quyết định phê duyệt danh mục công việc, điều kiện, mức hỗ trợ đối với nhóm đối tượng lao động tự do và các đối tượng đặc thù, đồng thời thực hiện chi trả cho nhóm đối tượng này.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã lần lượt báo cáo tiến độ triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ và một số đối tượng đặc thù khác theo Nghị quyết 68 và Quyết định 23. Trong đó, công tác triển khai chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và chính sách hỗ trợ lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Đôn đốc các địa phương thực hiện chính sách quyết liệt và kịp thời hơn
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh yêu cầu Ban Chỉ đạo cần phải tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai chính sách một cách quyết liệt hơn nữa, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước với nhân dân và đồng thời gây dựng niềm tin nơi nhân dân. Ngoài ra, các thành viên Ban Chỉ đạo cần nâng cao năng lực phân tích, đánh giá để kịp thời tìm ra những ưu, khuyết điểm, vướng mắc trong quá trình triển khai, từ đó có phương án tháo gỡ.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đôn đốc địa phương thực hiện kịp thời và nghiêm túc công tác báo cáo. Những số liệu báo cáo hằng ngày sẽ được Văn phòng Bộ và Trung tâm thông tin tiếp nhận và phân tích nhằm đánh giá mức độ, tiến độ triển khai của từng địa phương, từ đó tìm ra những cách làm hay, nêu gương những địa phương điển hình, tiêu biểu, khuyến khích những cơ sở, địa phương khác học tập, đồng thời phê bình những địa phương triển khai chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng yêu cầu xác định rõ đối nhóm đối tượng mà thông tin tuyên truyền hướng đến, tìm hiểu kỹ về mối quan tâm và mức độ quan tâm của mỗi nhóm đối tượng đến chính sách, từ đó xây dựng một hệ thống thông tin tuyên truyền dễ hiểu. Cập nhật thông tin về việc triển khai chính sách một cách khẩn trương và thường xuyên để người dân cả nước khi truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Bộ có thể nắm bắt được tiến độ thực hiện chính sách trên toàn quốc.
Thứ trưởng cũng đề nghị xây dựng Bộ Hỏi - Đáp về việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ và NSDLĐ gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên Cổng thông tin điện tử của Bộ nhằm giải đáp những vướng mắc của địa phương. Với Bộ Hỏi - Đáp này, các địa phương sẽ nâng cao tinh thần chủ động, tự tìm hiểu, tự giải đáp vướng mắc thông qua những thông tin đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, tránh tình trạng ỷ lại vào chỉ đạo bằng văn bản.
“Bộ Hỏi - Đáp này sẽ được xây dựng một cách kỹ lưỡng nhất và được cập nhật thường xuyên, giúp giải đáp thắc mắc cho chính quyền địa phương và người dân cả nước một cách dễ dàng, nhanh chóng.”- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh./.