Có phương án xét tuyển đại học, cao đẳng cho thí sinh thuộc diện xét tốt nghiệp đặc cách

(BKTO) – Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh 2021 với các trường đại học (ĐH) phía Nam và 2 ĐH Quốc gia về việc xét tuyển sinh ĐH đối với thí sinh thuộc diện đặc cách xét tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH có phương án tính toán tỉ lệ chỉ tiêu dành lại phù hợp với tỉ lệ các thí sinh đặc cách tốt nghiệp, không để các em bị ảnh hưởng quyền lợi xét tuyển ĐH.



                
   

Do nhiều thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nên dự kiến chỉ còn khoảng 15 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Ảnh minh họa: N.LỘC

   

Theo Bộ GD&ĐT, Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2 sẽ diễn ra trong các ngày 06 - 07/8. Theo số liệu thống kê, đến thời điểm này có khoảng 26 nghìn thí sinh chưa dự thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Trong đó, có khoảng 10 nghìn thí sinh thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Dự báo số liệu này có thể biến động theo chiều hướng tăng, nhưng không nhiều, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Số thí sinh dự thi đợt 2 dự kiến tối đa khoảng 15 nghìn em.

Bộ cũng đã xem xét giải quyết xét tốt nghiệp THPT cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều em (với tỉ lệ không nhỏ) có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH, cao đẳng bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT, song không có điểm (do được xét đặc cách tốt nghiệp, không phải thi).

Trước thực trạng này, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, để thí sinh có thể tham dự. Kỳ thi này dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 8 hoặc tháng 9 (tuỳ theo điều kiện thực tiễn).

Đối với thí sinh thuộc diện đặc cách tốt nghiệp THPT, Bộ đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH phát huy tinh thần tự chủ và trách nhiệm xã hội, có phương án chung trên toàn hệ thống, tính toán tỉ lệ chỉ tiêu dành lại phù hợp với tỉ lệ các thí sinh đặc cách tốt nghiệp.

Theo đó, có thể dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia tổ chức để xét tuyển, hoặc xét tuyển bằng học bạ. Các trường cần dành lại một số chỉ tiêu tuyển sinh cho những thí sinh này phù hợp với tỉ lệ nói trên, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em, nhưng cũng bảo đảm công bằng cho thí sinh xét tuyển chung trong đợt tới.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các giải pháp nhằm đảm bảo tốt yêu cầu tuyển sinh của trường, cũng như quyền lợi cho thí sinh.

Nhất trí với phương án mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra, PGS,TS. Nguyễn Minh Tâm – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho hay: Ở đợt thi thứ nhất – kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh có hơn 69 nghìn thí sinh dự thi và đã thành công. Số thí sinh dự thi đợt 2 khoảng 26 nghìn em, dự kiến tổ chức tại 4 địa phương: TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Khánh Hòa và TP. Đà Nẵng.
                
   

Bộ GD&ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục ĐH có phương án xét tuyển cho thí sinh thuộc diện xét tốt nghiệp đặc cách, không thể dự thi. Ảnh: N.LỘC

   

Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến của các cơ sở ĐH và sự sẵn sàng hỗ trợ trong công tác tuyển sinh; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn lưu ý, tới đây bộ phận chuyên môn cần bổ sung danh sách và số lượng thí sinh được xét đặc cách để gửi dữ liệu cho các trường. Sau khi có số liệu, các trường sớm công bố phương án điều chỉnh bổ sung, để thí sinh đăng ký xét tuyển.

Về phương án tuyển sinh, cơ bản các trường áp dụng xét tuyển bằng phương thức xét học bạ, hoặc căn cứ vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia hoặc các phương thức xét tuyển khác. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở giáo dục ĐH chủ động phương án xét tuyển. Riêng với kỳ thi đánh giá năng lực, Bộ sẽ phối hợp với 2 ĐH Quốc gia và các địa phương để tính toán địa điểm, thời gian tổ chức hợp lý, đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng cho thí sinh.

Với những trường tổ chức thi năng khiếu, Thứ trưởng đề nghị, các đơn vị cần gửi thông tin về Bộ để tổng hợp số liệu. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ làm việc với các trường để có giải pháp thỏa đáng, phù hợp với bối cảnh thực tiễn.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
  • Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đứng đầu các trường khối Kinh tế, quản lý, kinh doanh tại Việt Nam
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) vừa được Webometrics xếp hạng thứ 9 trong các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, tăng 2 bậc so với năm 2020; đồng thời đứng đầu các trường Khối Kinh tế, quản lý, kinh doanh tại Việt Nam.
  • Phối hợp truyền thông phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các nội dung về truyền thông trong Chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 và Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025.
  • Nhiều trường kinh tế công bố điểm đầu vào
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Sau khi Bộ giáo dục và Đào tạo chính thức công bố điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) đợt 1 của thí sinh (hơn 97% thí sinh dự Kỳ thi năm nay đã tham gia đợt thi này), nhiều trường khối kinh tế cũng đã nghiên cứu và công bố mức điểm sàn đầu vào của trường.
  • Đặt cọc giữ chỗ xét tuyển đại học: Không trái luật nhưng cần minh bạch, phù hợp hơn
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) – Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) chính thức “chạy đua” với kế hoạch tuyển sinh. Một vấn đề mới nảy sinh đang được nhiều thí sinh và gia đình quan tâm, đó là xuất hiện việc một số trường tổ chức thu phí đặt cọc giữ chỗ của thí sinh. Vậy, nhìn nhận về vấn đề này thế nào, cơ sở pháp lý và tính phù hợp của việc thu tiền này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng người học hiện nay ra sao?
  • Tạo thuận lợi tối đa trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giai đoạn dịch bệnh Covid-19
    2 năm trước Xã hội
    (BKTO) - Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên cả nước, đặc biệt là tại các tỉnh phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang nỗ lực tiếp tục chung tay phòng, chống dịch, đảm bảo quyền lợi của người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), đặc biệt là kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT.
Có phương án xét tuyển đại học, cao đẳng cho thí sinh thuộc diện xét tốt nghiệp đặc cách