Giao thí điểm thực hiện dự án điện khí, điện gió ngoài khơi
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch Điện VIII là quy hoạch để tổ chức đầu tư các dự án nguồn điện, truyền tải, phụ tải, dưới sự chỉ đạo, điều hành, vận hành hệ thống điện của cơ quan quản lý Nhà nước, bảo đảm an toàn an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Nhà nước "đặt hàng", lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, có hiệu quả cao nhất.
Theo Quy hoạch Điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất cần bổ sung, có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Đồng thời, việc phát triển điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, trong quá trình đàm phán, triển khai các dự án điện khí, các nhà đầu tư có một số đề xuất về cam kết bao tiêu sản lượng điện tối thiểu; chuyển ngang giá khí sang giá điện; cơ chế mua khí dài hạn…
Đối với các dự án điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương nhận thấy một số bất cập, chưa đồng bộ, chưa thống nhất trong quy định pháp luật về giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí ngoài NSNN để thực hiện điều tra, khảo sát, thăm dò, đo đạc; giao khu vực biển cho nhà đầu tư nước ngoài; đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư; giao thoa, xung đột với các hoạt động khai thác sử dụng biển; khả năng tiếp cận vốn tín dụng, hệ thống truyền tải, đàm phán giá điện; bảo đảm an ninh quốc phòng…
Cùng với việc khẩn trương sửa đổi, tháo gỡ về pháp lý, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên kiến nghị, trước mắt, cần nghiên cứu, xem xét phương án giao cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thực hiện điều tra khảo sát, khảo sát, đo đạc, xác định tiềm năng điện gió ngoài khơi.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung, để bảo đảm tiến độ, mục tiêu đặt ra trong Quy hoạch Điện VIII, cần thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư các dự án khí, điện gió ngoài khơi, song song với sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phù hợp.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng kiến nghị giao thí điểm thực hiện dự án điện khí, điện gió ngoài khơi cụ thể để làm căn cứ thực tiễn nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hành lang pháp lý.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần đánh giá tác động toàn diện đối với các kiến nghị, đề xuất của Bộ, ngành tại cuộc họp để lựa chọn phương án tháo gỡ khó khăn cho các dự án điện gió ngoài khơi về pháp lý; thành lập tổ nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách mới; khẩn trương lập danh mục các dự án điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch Điện VIII…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, hoạt động đầu tư các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới mà quy định hiện hành chưa có, hoặc chưa rõ ràng, do vậy, rất cần xây dựng cơ chế, chính sách mới, chứ không dừng lại ở mức độ thí điểm.
Đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án điện khí
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, việc giải quyết những vướng mắc của các dự án điện khí, điện gió liên quan mật thiết đến thực hiện mục tiêu của Quy hoạch Điện VIII, bảo đảm an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, môi trường thu hút đầu tư.
Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn năng lượng rà soát, xem xét toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư dự án điện khí, trong đó có những cam kết dài hạn mang tính nguyên tắc của Chính phủ đối với nhà đầu tư; đề xuất phương án cắt giảm thời gian thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư dự án điện khí.
Về định hướng tháo gỡ khó khăn, bất cập trong triển khai các dự án điện gió ngoài khơi, Phó Thủ tướng yêu cầu, căn cứ trên số liệu đánh giá ban đầu về tiềm năng điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án thí điểm thăm dò, điều tra, khảo sát sử dụng NSNN; phê duyệt chủ trương, lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện cấp phép… cho các dự án điện gió ngoài khơi.
Phó Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương thành lập tổ công tác liên ngành, do Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Tổ trưởng, có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải… để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, sớm triển khai thí điểm một số dự án điện gió ngoài khơi./.