Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025: Đổi mới để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả

(BKTO) - Thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 29/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đang đôn đốc các Bộ, ban, ngành T.Ư và địa phương triển khai lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Điểm đổi mới lần này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT được chủ động làm việc trực tiếp với một số Bộ để cùng đánh giá về những kết quả đã đạt được; trao đổi, thống nhất về những khó khăn, vướng mắc và đưa ra kế hoạch cụ thể của giai đoạn tới để khi nhìn lại sẽ thấy được kết quả rõ nét trong từng ngành, lĩnh vực nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và đột phá hơn.




Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Nắm bắt kết quả triển khai vàđịnh hướng của các Bộ

Mục tiêu chính của điểm đổi mới nêu trên là để công tác đầu tư công ở các Bộ, ngành ngày càng được thực hiện một cách chuyên nghiệp, bài bản, đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu đầu tư đang rất lớn.

Tại cuộc họp với Bộ Công Thương, đánh giá được đưa ra là hằng năm, Bộ Công Thương đã triển khai và giải ngân vốn đầu tư công tương đối tốt. Qua đó góp phần nâng tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP giai đoạn 2016-2020 đạt từ 30 - 35%; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 đạt khoảng 85%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đến năm 2020 gấp trên 3 lần năm 2010…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, việc đầu tư phát triển công nghiệp chưa tương xứng với điều kiện và mức độ hội nhập do thiếu nguồn lực thực hiện, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo. Trình độ nhân lực, công nghệ còn hạn chế dẫn đến sự thiếu kết nối giữa DN trong nước và DN FDI; chính sách phát triển công nghiệp mới dừng ở cấp Nghị định, do vậy phải tháo gỡ bằng cách có luật riêng về lĩnh vực công nghiệp. Trao đổi về định hướng giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh rằng sẽ tập trung đầu tư công vào các ngành, lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, giao thông, công nghệ thông tin…

Còn tại cuộc họp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT), lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, quan điểm lập Kế hoạch của Bộ là xác định rõ dự án tạo ra đột phá, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đầu tư có tầm nhìn trong mỗi kỳ trung hạn và phải chuẩn bị danh mục cho tầm nhìn dài hạn; chú trọng các dự án nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chương trình Chính phủ điện tử; phát huy năng lực vận tải của hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có.

Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khi nhu cầu đầu tư lớn hơn nhiều so với khả năng cân đối nguồn lực; khi ưu tiên nguồn vốn để tập trung ưu tiên đầu tư các dự án động lực, đột phá dẫn đến không còn khả năng cân đối cho các dự án khác; phải xử lý dứt điểm các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) không có khả năng thu phí hoặc phải dừng thực hiện theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14; phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền đầu tư các dự án đường sắt đô thị; tháo gỡ vướng mắc để có thể tiếp tục thi công, hoàn thành các dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành…

Đóng góp ý kiến xây dựng kế hoạchđầu tư công trung hạn

Góp ý về định hướng xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần hướng đến mục tiêu tăng cường tính kết nối giữa DN trong nước và DN FDI; thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển… Các DN trong nước phải tiếp tục tham gia chuỗi sản xuất bằng cách mua cổ phần của các DN FDI thông qua hoạt động M&A, chiếm lĩnh công nghệ, thị trường, chuỗi giá trị…

Về công nghiệp hỗ trợ, cần tập trung nghiên cứu và phát triển, cơ cấu các ngành, lĩnh vực từ các chiến lược, quy hoạch đối với một số ngành công nghiệp chủ yếu tạo nền tảng để lập hệ sinh thái, tham gia chuỗi giá trị; khuyến khích một số DN, tập đoàn lớn của Việt Nam dẫn dắt một số ngành công nghiệp để chuyển từ Made in Vietnam thành Made by Vietnam. Chú trọng phát triển thương mại điện tử, thị trường trong nước, chuyển đổi số và chuyển đổi sản xuất thông minh.

Đóng góp ý kiến đối với Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì phát triển hạ tầng giao thông chỉ mới tập trung chủ yếu vào đường bộ; việc kết nối các phương thức vận tải chưa tốt, các hạ tầng đấu nối, liên vùng, kết nối các hạ tầng cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế chưa được quan tâm; đường sắt, đường thủy, hàng hải chưa được khai thác nhiều; quy hoạch các ngành giao thông thiếu tính đồng bộ, không được tích hợp, tính kết nối kém; chưa khắc phục được tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các trung tâm, đô thị lớn. Đặc biệt, việc xây dựng đường cao tốc chưa đạt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 13-NQ/TW là năm 2015 hoàn thành khoảng 600km và đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh cần chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án BOT; huy động nguồn lực, thu hút nhà đầu tư tham gia vào các dự án giao thông; tập trung vào các dự án trọng điểm; phải quyết tâm hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam; hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các dự án kết nối vùng, kết nối phương thức vận tải, kết nối hạ tầng khu công nghiệp, cảng biển; đường sắt đô thị, đường vành đai; phát triển đường ven biển, mở ra không gian phát triển mới, kết nối các ngành lĩnh vực, đảm bảo quốc phòng an ninh… Hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo mới cho đất nước, do đó cần huy động, bố trí nguồn lực ưu tiên thực hiện các dự án giao thông.

Theo đánh giá của các Bộ, với cách làm có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn này sẽ giúp các Bộ xây dựng được kế hoạch đúng định hướng, tầm nhìn và xác định rõ các thứ tự ưu tiên trong thời gian tới.

QUỲNH ANH
Cùng chuyên mục
Xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025: Đổi mới để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đồng bộ và hiệu quả