Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022

(BKTO) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) và Dự toán NSNN năm 2022.



                
   

Ảnh minh họa. Ảnh: Internet

   

Chỉ thị nêu rõ: Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo tiền đề thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, dự toán NSNN năm 2022, Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2022-2024.

Xác định mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội năm 2022

Để xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Nội dung đánh giá phải đầy đủ, thực chất, chính xác các kết quả đạt được (đặc biệt nêu rõ thành tựu nổi bật của năm 2021), những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân để có biện pháp khắc phục, trong đó có đánh giá các tác động của thiên tai, dịch bệnh như đại dịch COVID-19.

Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 xây dựng trong bối cảnh khó khăn và thuận lợi đan xen, ảnh hưởng, tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, xác định các vấn đề cơ bản của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 bao gồm nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển KTXH.

Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn; các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu.

Các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương và những định hướng lớn như:

Thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế. Quyết tâm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả. Phấn đấu tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022.

Tiếp tục xây dựng Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; bám sát thực tiễn, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ…

Thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực theo các Nghị quyết, quy định của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025. Chú trọng kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Quan tâm hơn nữa đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu…

Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 phải sát thực tế và khả thi

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các Bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý, giải quyết ngay từ khâu xây dựng dự toán những sai phạm trong quản lý tài chính, ngân sách đã được cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện, kiến nghị theo đúng quy định của pháp luật.

Dự toán thu NSNN năm 2022 phải được xây dựng tích cực, khả thi với tinh thần phấn đấu, nỗ lực cao nhất, theo đúng chính sách, chế độ hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nuôi dưỡng nguồn thu.

Trong bối cảnh vẫn còn đối mặt nhiều rủi ro, khó khăn trong năm 2021, cần tiếp tục tập trung phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước để đánh giá sát khả năng thực hiện thu NSNN năm 2021 làm cơ sở xây dựng dự toán thu NSNN năm 2022. Tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, gia hạn thời gian nộp thuế, giảm phí, lệ phí và thực hiện lộ trình cắt giảm thuế để thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thu…

Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2022 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại DN, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bình quân cả nước tăng khoảng 6-8% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách). Mức tăng thu cụ thể tùy theo điều kiện, đặc điểm và phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn của từng địa phương. Dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2022 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2021.

Xây dựng dự toán chi NSNN năm 2022 đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển, chi thường xuyên NSNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt; đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngân sách. Quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển lên khoảng 28-29% tổng chi NSNN, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Ưu tiên và tập trung nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội.../.

HỒNG NHUNG
Cùng chuyên mục
  • Sắp diễn ra Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN 2021
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), 10 nước thành viên trong ASEAN đang chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN 2021 diễn ra từ ngày 08-10/8 tới.
  • Đức cam kết hỗ trợ 50 triệu Euro vốn vay ODA năm 2021 cho Việt Nam
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 23/7, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Phạm Hoàng Mai và Tổng Vụ trưởng Vụ Hợp tác với châu Á, Đông Nam Á, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức Gisela Hammerschmidt - đã ký kết Biên bản Kỳ họp đàm phán cấp Chính phủ về hợp tác phát triển Việt Nam - Đức năm 2021 theo hình thức trực tuyến.
  • Huyện Văn Giang (Hưng Yên) chuyển mình “khoác áo mới” nhờ cây, hoa cảnh và đô thị xanh
    2 năm trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Là một trong những "thủ phủ" cây, hoa cảnh của miền Bắc, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) còn được biết đến với tốc độ đô thị hóa nhanh với nhiều loại hình dịch vụ tiện ích, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Sự cộng hưởng của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chuyên sâu, chủ đạo là cây, hoa cảnh với sự tiện ích của đô thị đã giúp cho Văn Giang - vốn là một huyện thuần nông nghèo đang “thay áo mới” tươi sáng hơn.
  • VCCI: Xây dựng Luật phát triển công nghiệp cần dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp
    2 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Khung khổ chính sách mới về công nghiệp cần được hình thành dựa trên những điều tra, đánh giá nhu cầu thực tế phát triển công nghiệp hiện nay, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp (DN) trong nhiều ngành nghề công nghiệp quan trọng và tiềm năng của Việt Nam.
  • “Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”
    2 năm trước Đầu tư
    (BKTO) - Trước tình trạng số DN rút khỏi thị trường ngày càng lớn, các DN trụ lại "sức khỏe" cũng rất yếu, Ủy ban Kinh tế đề nghị, trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội và NSNN những tháng cuối năm 2021 cần quan tâm "cứu" DN nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn hậu Covid-19.
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022