Xây dựng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán tối cao, là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng

(BKT) - Sáng 30/9, tại Hà Nội, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề “Hoàn thiện tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam” (Chuyên đề) đã chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo để cho ý kiến về một số nội dung liên quan đến định hướng và nội dung Chuyên đề.



                
   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Chuyên đề phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

   

Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Phó Tổng Kiểm Nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập xây dựng Chuyên đề.

Box: Chuyên đề được xây dựng theo Kế hoạch số 02-KH/BCĐ, ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” (Ban Chấp hành Trung ương Đảng), trong đó KTNN là cơ quan được giao chủ trì thực hiện.
                
   

Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: N. LỘC

   

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, nội dung Chuyên đề phải thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức và hoạt động của KTNN, trong đó có thực trạng tổ chức, hoạt động của KTNN; thực trạng về vị trí, vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực và trong phòng, chống tham nhũng; dự báo bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế tác động đến tổ chức, hoạt động của KTNN trong giai đoạn tới; quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và kiến nghị đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
                
   

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn - Thư ký Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: N.LỘC

   

Tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Ngọc Tuấn - Thư ký Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ Biên tập đã báo cáo khái quát tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Tổ Biên tập thời gian qua; đồng thời nêu tóm tắt một số nội dung chính của dự thảo Chuyên đề đã được xây dựng.

Theo dự thảo Chuyên đề đã được Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh - Trưởng Ban Chỉ đạo cho ý kiến tại cuộc họp, mục tiêu tổng quát, định hướng đến năm 2045 là phát triển KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và kiểm soát quyền lực; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng tài chính, tài sản công phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước...

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để cụ thể hóa các quy định về KTNN trong Hiến pháp, Luật KTNN; phát triển tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực; việc thực hiện nhiệm vụ; hội nhập và hợp tác quốc tế...
                
   

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Đỗ Văn Tạo góp ý về nội dungphát triển tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực theo Chiến lược. Ảnh: N. LỘC

   

Tại buổi làm việc, các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập xây dựng Chuyên đề đã tập trung cho ý kiến về vai trò của KTNN trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng; kinh nghiệm quốc tế trong phát triển cơ quan kiểm toán; đánh giá những khó khăn, thách thức khi thực hiện Chuyên đề...

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những kết quả trong việc triển khai xây dựng Chuyên đề của Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập; cũng như ghi nhận nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ Biên tập trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao với khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút.

Để tạo thuận lợi, thống nhất định hướng triển khai xây dựng Chuyên đề, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng gợi mở, định hướng nội dung cho Tổ Biên tập để đảm bảo việc triển khai xây dựng Chuyên đề theo đúng định hướng của Trung ương.

Nhấn mạnh Chuyên đề phải hoàn thành trong thời gian ngắn, Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu bộ phận Thường trực của Tổ Biên tập tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập; tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, nỗ lực triển khai các công việc được giao, tập trung hoàn thành tốt nhất nội dung Chuyên đề cũng như thực hiện các quy trình xin ý kiến lãnh đạo Quốc hội về dự thảo Chuyên đề.

Ngay sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập đã tiến hành họp và cho ý kiến về một số định hướng để sớm hoàn thiện Chuyên đề, theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước./.
N.LỘC

Cùng chuyên mục
Xây dựng Kiểm toán Nhà nước là cơ quan kiểm toán tối cao, là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống tham nhũng