Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để thúc phát triển kinh tế - xã hội bền vững

(BKTO) - Đây là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu tập trung thảo luận tại Hội nghị “Định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược)” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 29/6.



Khơi dậy khát vọng cống hiến cho Tổ quốc

Trình bày tóm tắt nội dung Chiến lược, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện... Theo đó, Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ bản và xuyên suốt là: Khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, từng bước xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
                
   

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hồng Gấm

   

Tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với dự thảo Chiến lược và trao đổi về một số giải pháp để nâng cao tính khả thi, hiệu quả thực hiện Chiến lược.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng chia sẻ, để đạt được các mục tiêu phát triển văn hóa đến năm 2030, Hà Nội đề xuất một số nội dung, giải pháp, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa, đặc biệt là đội ngũ tại cơ sở; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; tạo cơ chế thu hút nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN, cá nhân tham gia đầu tư, phát triển văn hóa.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nhấn mạnh, Chiến lược đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp quan trọng cho sự nghiệp phát triển trong thời gian tới. Gắn với đặc thù địa phương, Thừa Thiên- Huế đưa ra định hướng phát triển là bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô Huế trong giai đoạn hiện nay.
                
   

Các thiết chế văn hóa góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Ảnh: N.LỘC

   

Từ kinh nghiệm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh Lào Cai cho rằng, Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đã tiếp cận và đưa ra nhiều luận điểm mang tính xương sống, trong đó có quan điểm văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Để hiện thực hóa quan điểm này, ngành văn hóa cần phải có sự đầu tư, phát triển toàn diện cho các thiết chế văn hóa.

Bà Phạm Thị Thanh Hường - Trưởng Ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh giá trị từ những bài học thành công trong đầu tư và phát huy vai trò văn hóa trong sự phát triển bền vững của quốc gia. Theo bà Hường, các hoạt động văn hóa, du lịch thường không có định lượng rõ ràng, gây khó khăn cho nhà quản lý. Để giải quyết vấn đề đó, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã giao UNESCO xây dựng bộ chỉ số văn hóa phát triển bền vững - là khung chỉ số với các chỉ tiêu đo lường, tăng trưởng đa chiều có sự đóng góp của văn hóa trong phát triển bền vững. Bà Hường khẳng định, UNESCO luôn coi trọng và đánh giá rất cao việc Việt Nam là 1 trong 12 quốc gia tiên phong thử nghiệm bộ chỉ số đo lường chỉ số văn hóa trong phát triển bền vững.

Xây dựng các chỉ tiêu văn hóa thực chất hơn, không cào bằng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hoá, con người Việt Nam, Bộ VH,TT&DL đã chủ động tổng kết Chiến lược văn hoá Việt Nam trong thời gian qua và triển khai xây dựng Chiến lược đến năm 2030, nội hàm trọng tâm là khơi dậy khát vọng cống hiến vì Tổ quốc.

Theo Bộ trưởng, từ quan điểm và nhận thức sâu sắc về những luận điểm mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Bộ đã chỉ rõ những thành tựu, hạn chế, rút ra nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong thực hiện Chiến lược thời gian qua.

Theo đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, việc hoàn thành các mục tiêu trong Chiến lược thời gian qua vẫn ở mức thấp, nhiều nhiệm vụ quan trọng chưa thực hiện được, do thiếu nguồn lực và khi xây dựng còn thiếu tính khả thi...

Trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực hiện Chiến lược thời gian qua, Bộ đã thành lập tổ công tác để nghiên cứu, xây dựng đề cương, hoàn thiện dự thảo Chiến lược đến năm 2030. “Chiến lược đã giảm bớt tính hàn lâm, song vẫn đảm bảo những định hướng, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những luận điểm mới trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, từ đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp” – Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng đề nghị, từ hướng tiếp cận mục tiêu tổng quát là khát vọng xây dựng đất nước hùng mạnh, đi kèm là các mục tiêu cụ thể, các đại biểu cần đối chiếu để thấy các chỉ tiêu, định hướng có phù hợp hay không, đặc biệt là chỉ tiêu về thiết chế, đời sống văn hóa cơ sở... theo hướng thực chất hơn.
                
   

Việc đầu tư các thiết chế văn hóa có tính đến vùng miền, không cào bằng. Ảnh: N.LỘC

   

Bộ trưởng lưu ý, nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược phải được lượng hóa cụ thể. Trong các nhiệm vụ đề cập, Bộ VH,TT&DL đặc biệt lưu ý đến các nhóm nhiệm vụ về những vấn đề bức xúc hiện nay. Theo đó, Chiến lược phải hướng tới cơ sở, cộng đồng dân cư, cộng đồng DN... “Với nguồn lực hiện có, nếu chọn đúng, chọn trúng sẽ tạo ra phong trào tốt, môi trường văn hóa tốt, đời sống văn hóa lành mạnh và đương nhiên sẽ tạo nên những tác động mạnh mẽ...” - Bộ trưởng phân tích.

Bộ trưởng cũng lưu ý, xây dựng văn hoá DN hiện nay có vai trò quan trọng, nhằm thúc đẩy lực lượng này tham gia tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đời sống văn hoá ở khu dân cư nhưng không cào bằng mà tiếp cận theo hướng đa dạng trong thống nhất, chú ý đặc thù văn hóa vùng miền.

NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để thúc phát triển kinh tế - xã hội bền vững