Chiều 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã tham dự Hội nghị triển khai công tác năm 2025 của ngành kiểm sát nhân dân (KSND).
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kết nối trực tuyến với hơn 800 điểm cầu của toàn ngành.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao kết quả công tác của ngành KSND trong năm 2024. Trong đó, Ngành đã tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định và thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm “chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm”.
Toàn Ngành thực hiện nghiêm các biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, nâng cao kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên trong giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm việc phê chuẩn, truy tố của Viện Kiểm sát có căn cứ, đúng pháp luật; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng đẩy nhanh tiến độ, kịp thời đưa ra xét xử nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về tham nhũng, những vụ án dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, bảo đảm xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị, góp phần phòng ngừa, khắc phục vi phạm và tội phạm.
Kết quả hoạt động của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm xảy ra trong hoạt động tư pháp, góp phần xây dựng các cơ quan tư pháp ngày càng trong sạch, vững mạnh - Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua, tình hình tội phạm, các tranh chấp dân sự, hành chính tăng trung bình hơn 10%/năm nên khối lượng công việc tăng thêm nhiều, trong khi tổng biên chế của Viện KSND, Viện Kiểm sát quân sự các cấp vẫn giữ nguyên, nhưng ngành kiểm sát đã nỗ lực vượt qua hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị toàn ngành tiếp tục đề cao trách nhiệm, phân tích sâu sắc hơn, đầy đủ hơn nữa những hạn chế, tồn tại, làm rõ nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan, đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục cho được những hạn chế và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, toàn ngành kiểm sát phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa; tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đặt ra; đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, trước tiên, cần tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong lĩnh vực tư pháp; chủ động nghiên cứu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư những giải pháp tăng cường năng lực cho ngành, nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ngành kiểm sát trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tội phạm về kinh tế, chức vụ. Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh giải pháp chủ động phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa là vấn đề quan trọng.
Cùng với đó, tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong thực hành quyền công tố. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, nhất là chống oan, sai, bỏ lọt tội phạm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan kịp thời xử lý các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ngành kiểm sát tiếp tục triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng yêu cầu và tiến độ của Ban chỉ đạo Trung ương. Đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sau khi sắp xếp, bộ máy tổ chức cán bộ đi vào hoạt động ngay; không để ngắt quãng công việc, khoảng trống về thời gian; không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến hoạt động tố tụng giải quyết án, giữ vững kỷ luật, kỷ cương nghiêm minh trong thực thi công vụ.
Bên cạnh đó, toàn ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng đội ngũ chuyên gia về dữ liệu điện tử, công nghệ cao; tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài…
Báo cáo tại Hội nghi cho biết, trong năm 2024, toàn ngành KSND đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 100.394 vụ án hình sự (tăng 2,1%). Trong đó, số vụ án về tham nhũng, chức vụ được phát hiện, khởi tố là 1.038 vụ (tăng 9,6%); đã phát hiện, mở rộng điều tra, khởi tố mới bị can trong một số vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, phức tạp, liên quan đến các Bộ, ngành, địa phương.
Tội phạm về xâm phạm an ninh quốc gia khởi tố 37 vụ (tăng 105,6%), xuất hiện tội phạm xảy ra trong lĩnh vực an ninh năng lượng, môi trường, tài chính, an ninh mạng. Tội phạm về ma túy khởi tố 29.285 vụ (tăng 8,3%), trong đó, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đặc biệt nghiêm trọng, thu giữ số lượng lớn ma túy; xuất hiện thủ đoạn mới, đóng gói ma tuý, thả trôi trên biển có gắn định vị để mang vào Việt Nam tiêu thụ.