Xây dựng ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử: Việt Nam cần có lộ trình

(BKTO) - Những năm gần đây, nhu cầu lớn về thay đổi thiết bị điện, điện tử dẫn đến phát sinh lượng rác thải điện tử với tốc độ gia tăng nhanh chóng. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, Việt Nam cần có lộ trình để xây dựng, hoàn thiện và phát triển lĩnh vực tái chế rác thải điện tử.



Việt Nam chưa có ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử thật sự

Thống kê của Trung tâm Phát triển và Hội nhập, Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, trung bình năm 2016, một người Việt Nam thải ra môi trường khoảng 1kg rác thải điện tử, như vậy, tổng lượng rác thải điện tử cả nước lên tới 90.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, dòng chảy của rác thải điện tử còn đi từ các nước phát triển sang các nước đang hoặc kém phát triển, trong đó có Việt Nam qua đường hợp pháp hoặc qua đường tiểu ngạch khiến Việt Nam trở thành “bãi rác công nghệ”.

Báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cảnh báo, lượng phát thải ti vi ở Việt Nam vào năm 2025 có thể lên tới 250.000 tấn. Lượng rác thải điện tử ở Việt Nam mỗi năm tăng khoảng 100.000 tấn, chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình, văn phòng, các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu bất hợp pháp.

Thực tế, rác thải điện tử ở nước ta chủ yếu mới được tái chế sơ bộ và xuất sang Trung Quốc tại các làng nghề tái chế thủ công. Đến nay, chưa có một tổ chức nào trong nước có khả năng tái chế, thu hồi nguyên liệu gốc chứa trong thành phần của rác thải điện tử. Bên cạnh đó, việc phát thải rác thải điện tử đang thiếu kiểm soát, đặc biệt là việc phát thải từ sinh hoạt hằng ngày của các hộ gia đình. Các thiết bị như: pin, vỏ, xác điện thoại, thiết bị điện tử gia dụng… vẫn được để chung với rác thải sinh hoạt. Nhận thức của người dân về tác hại của rác thải điện tử chưa cao khiến việc phân loại rác tại nguồn không được thực hiện, góp phần không nhỏ dẫn đến ô nhiễm môi trường điện tử.

Đáng quan ngại, kết quả nghiên cứu trường Đại học Công nghiệp Hà Nội còn chỉ ra rằng, vấn đề lớn nhất khiến Việt Nam chưa có ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử thật sự nằm ở việc thiếu đầu vào ổn định và đủ lớn. Việt Nam chưa có hệ thống quản lý để kiểm soát một lượng lớn rác thải điện tử và thu hồi vật liệu có giá trị. Hiện, các bên trung gian - những người tháo dỡ vật liệu - đang nhận nhiều lợi ích kinh tế nhất, nhưng họ không xử lý mà chỉ tháo dỡ để bán. Việc thu gom rác thải điện tử được thực hiện chủ yếu bởi các cá nhân làm nghề đồng nát, sửa chữa thiết bị hoặc các trung tâm, đại lý rác, các công ty môi trường đô thị. Do vậy, Nhà nước khó kiểm soát dòng rác thải điện tử và nguồn rác thải không tập trung, DN không thể đầu tư công nghệ tái chế hiện đại khi đầu vào thấp và không ổn định.

Thêm vào đó, Việt Nam chưa có cơ chế hỗ trợ các DN đầu tư vào lĩnh vực này, đặc biệt các công ty chuyên ngành dịch vụ công nghiệp môi trường, trong đó có thu gom và tái chế rác thải điện tử. Ngoài ra, cơ quan quản lý chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ (Quyết định 16), dẫn đến tình trạng các DN sản xuất thiết bị điện tử chưa có trách nhiệm trong việc thu hồi và tái chế rác thải điện tử.

Xây dựng chương trình quốc gia về tái chế rác thải điện tử

Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” cho biết, từ năm 2014, số quốc gia áp dụng chính sách, luật hoặc quy định tầm quốc gia về rác thải điện tử đã tăng từ 61 lên 78. Theo kinh nghiệm ở Hoa Kỳ, các thành phố lớn như New York hay Washington đều có quy định yêu cầu các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm thông qua các điểm thu gom rồi tái chế lại hoặc chuyển giao cho các công ty tái chế của bên thứ ba. Tại Nhật Bản, chính quyền các thành phố lớn đều xây dựng nhà máy tái chế riêng, đường phố cũng được đặt thêm các thùng rác nhiều màu sắc để người dùng tự phân loại rác. Luật về tái chế đồ gia dụng của Nhật Bản yêu cầu nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về việc tái chế các thiết bị cũ hỏng. Còn tại Singapore, Chính phủ nước này khuyến khích nhà sản xuất, nhà phân phối, cửa hàng bán thiết bị điện tử thiết lập các kênh để thu hồi rác thải điện tử; thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu, phát triển những sáng kiến, giải pháp cũng như hỗ trợ các công ty xử lý rác thải điện tử thông qua ưu đãi về chính sách, huy động vốn, điều kiện hoạt động.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, việc tuyên truyền nâng cao ý thức về rác thải điện tử đã bắt đầu được quan tâm, đặc biệt sau khi có Quyết định 16. Từ tháng 01/2015, Tổ chức Việt Nam tái chế (VRP) gồm các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử hàng đầu HP Inc, Apple, Microsoft đã nỗ lực thu gom miễn phí rác thải điện tử nhằm bảo đảm quy trình tái chế sản phẩm điện tử chuyên nghiệp và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Tổ chức này đang phải đối mặt là người tiêu dùng còn khá ngại mang thiết bị điện tử đến chương trình vì cho rằng VRP không mang lại cho họ lợi ích.

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Công nghiệp Hà Nội khuyến nghị, Việt Nam cần có lộ trình để xây dựng và tạo điều kiện phát triển lĩnh vực non trẻ này. Cụ thể, Việt Nam cần xây dựng chương trình quốc gia về tái chế rác thải điện tử; có mã ngành kinh tế và danh mục mã sản phẩm của ngành tái chế rác thải điện tử nói riêng cũng như ngành công nghiệp môi trường nói chung để nhận dạng sản phẩm, thiết bị, làm căn cứ để quy định các chính sách thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hóa là sản phẩm và thiết bị của ngành này; nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền về phân loại tại nguồn và thu gom rác thải điện tử; ban hành văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện Quyết định 16; có kế hoạch hỗ trợ các DN tái chế rác thải điện tử.

HỒNG NHUNG

Cùng chuyên mục
Xây dựng ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử: Việt Nam cần có lộ trình