Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có tiềm lực mạnh về tài chính, khoa học công nghệ, sức cạnh tranh cao

(BKTO) - Chiều 10/01, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam).

0(1).jpg
Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và ghi nhận những thành tích, đóng góp của Tập đoàn Dầu khí năm 2022 đối với những thành tựu, kết quả chung của cả nước. Ảnh: Chính phủ

Theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, năm 2022, tất cả các chỉ tiêu sản lượng, kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực của Tập đoàn đều hoàn thành kế hoạch năm và tăng trưởng cao so với năm 2021 từ 3-26%, xác lập nhiều kỷ lục mới sau 61 năm hình thành và phát triển. Giá trị thương hiệu Petrovietnam năm 2022 đạt gần 1,3 tỷ USD- duy trì vị trí thương hiệu giá trị cao nhất Việt Nam.

Trong đó, sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 11 ngày, năm 2022 đạt 10,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. Riêng khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng 18 ngày, năm 2022 đạt 8,98 triệu tấn, vượt 1,94 triệu tấn (vượt 28%) kế hoạch năm, tương đương thực hiện năm 2021. Đây là kỷ lục thời gian hoàn thành kế hoạch sớm nhất, là nỗ lực rất lớn của Tập đoàn để duy trì, ổn định sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh suy giảm sản lượng của hầu hết các lô/mỏ hiện nay.

Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ được giao, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch năm 2023 với mục tiêu và quyết tâm cao hơn so với kế hoạch năm 2022. Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu toàn Tập đoàn là 677,7 nghìn tỷ đồng (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn), lợi nhuận hợp nhất 34 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 78,3 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng và ghi nhận những thành tích, đóng góp của Tập đoàn Dầu khí năm 2022 đối với những thành tựu, kết quả chung của cả nước, nhất là trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn.

Thủ tướng đánh giá cao phương châm 2023 của Tập đoàn là "quản trị biến động, mở rộng quy mô, tăng tốc chuyển đổi số, dịch chuyển mô hình, nâng cao năng suất, tái tạo kinh doanh", đồng thời đề nghị Tập đoàn, toàn ngành dầu khí tập trung thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chủ yếu.

Để hoàn thành các mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh 10 nhóm giải pháp chủ yếu.

Một là, quán triệt, thực hiện nghiêm và có hiệu quả các nhiệm vụ theo các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; cụ thể hóa vào kế hoạch của Tập đoàn cũng như của từng đơn vị để tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát.

Thủ tướng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành dầu khí, có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng lưu ý tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo - đây là lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng rất lớn, là xu thế của thế giới và Tập đoàn cũng có nhiều điều kiện, nền tảng để thực hiện.

1(2).jpg
Thủ tướng trao Huân chương lao động các hạng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác . Ảnh: Chính phủ

Hai là, chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy và không ngừng nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Ba là, nhóm giải pháp về tài chính, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án, đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch.

Bốn là, nhóm giải pháp về đầu tư, bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng xu thế, đúng lĩnh vực để phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Năm là, nhóm giải pháp về hoạt động sản xuất kinh doanh và thị trường, chủ động xây dựng thị trường và làm tốt công tác thông tin và dự báo làm cơ sở định hướng cho việc xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Tiếp tục hoàn thiện, gia tăng chuỗi giá trị dầu khí từ khâu cung cấp - sản xuất - tiêu thụ nhằm tạo mối liên hệ chặt chẽ từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm đầu ra; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Sáu là, nhóm giải pháp về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; chính sách tiền lương; cần có mức tiền lương, chính sách phúc lợi phù hợp, vừa hài hòa, cân đối với các ngành nghề, lĩnh vực, vừa bảo đảm tính đặc thù, bảo đảm tính cạnh tranh thị trường có tính đến yếu tố quốc tế để giữ chân người lao động dầu khí đòi hỏi trình độ, kỹ thuật chuyên môn có tính đặc thù và có tính quốc tế cao.

Bảy là, nhóm giải pháp về khoa học công nghệ, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số vào phát triển ngành dầu khí. Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ cao, tâm huyết cho những lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn.

Tám là, nhóm giải pháp về an toàn, môi trường và phát triển bền vững, tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo sản phẩm mới thân thiện với môi trường.

Chín là, nhóm giải pháp về quốc phòng - an ninh - đối ngoại, chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của Tập đoàn, đặc biệt là trong công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tại những khu vực nước sâu, xa bờ trên biển nhằm tăng cường sự hiện diện và góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển Đông và hải đảo.

Mười là, nhóm giải pháp về văn hóa doanh nghiệp, cụ thể hóa các nội dung tại Hội nghị toàn quốc về văn hóa, để Petrovietnam tiếp tục phát huy các giá trị "đoàn kết, khát vọng, trí tuệ, chuyên nghiệp, nghĩa tình, văn hóa".

Về các kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các đơn vị thành viên, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành tại Thông báo số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022. Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các Bộ, cơ quan, nhất là Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước theo chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương xử lý các kiến nghị; báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền./.

Cùng chuyên mục
Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam có tiềm lực mạnh về tài chính, khoa học công nghệ, sức cạnh tranh cao