Theo thông tin tại Hội thảo, trong năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình liên quan tới công tác trẻ em. Ảnh:molisa.gov.vn |
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo: "Bảo vệ trẻ em - Từ phòng ngừa đến hỗ trợ" do Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Good Neighbors VietNam (GNI) tổ chức sáng 06/12, tại Hà Nội.
Hội thảo nằm trong chuỗi các hoạt động phối hợp giữa Cục Trẻ em và GNI, nhằm chia sẻ những kết quả đã đạt được trong quá trình phối hợp giữa hai bên; đồng thời, hướng tới mục tiêu giới thiệu và triển khai các chương trình giáo dục, hỗ trợ thực tiễn cho trẻ em trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em - khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Chính phủ đối với công tác trẻ em. “Trong năm 2021, Chính phủ đã phê duyệt nhiều chương trình liên quan tới công tác trẻ em. Trước hết, có thể kế đến Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 đã đề ra được 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể cùng 24 chỉ tiêu, đặc biệt là nhóm chỉ tiêu liên quan tới giáo dục, bảo vệ và phát triển toàn diện của trẻ em” - bà Nguyễn Thị Nga cho biết.
Bên cạnh Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chính phủ đã ban hành thêm 2 Chương trình quốc gia liên quan tới trẻ em. Đó là: Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng tới 2030 nhằm đảm bảo cho trẻ em có một tương lai tươi sáng; Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 nhằm bảo vệ, xây dựng một môi trường an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở nước ta.
Chia sẻ về Hệ thống và cấp độ bảo vệ trẻ em, một số kết quả công tác bảo vệ trẻ em ở nước ta, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Cục Trẻ em - cho biết, từ năm 2008, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với UNICEF và các tổ chức liên quan xây dựng, vận hành hệ thống bảo vệ trẻ em thành công tại 136 xã của 30 huyện thuộc 15 tỉnh/thành phố.
Cùng với đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt các quyết định hướng tới bảo vệ trẻ em như Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em đầu tiên của Việt Nam (Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22/02/2011); Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 2361/QĐ-TTg ngày 22/12/2015); Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 565/QĐ-TTg ngày 25/4/2017)…
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa cũng cho biết thêm, hiện nay, hệ thống tổ chức bảo vệ trẻ em của nước ta đã được triển khai đầy đủ ở tất cả các cấp, cấp Trung ương đã thành lập Ủy ban quốc gia về Trẻ em (tháng 6/2017). Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em, thành lập Ban Điều hành, Nhóm liên ngành bảo vệ trẻ em ở 57/63 đơn vị cấp tỉnh, 662/712 (đạt 92,9%) đơn vị cấp huyện và tại cấp xã là 9.837/11.160 (đạt 88,15%) đơn vị.
Trong giai đoạn từ 2015-2019, có 8.337 em đã được địa phương hỗ trợ, can thiệp, chiếm 95,72% tổng số trẻ em bị xâm hại được các địa phương phát hiện.
Thời gian tới, để thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, nhiều hoạt động, chương trình ở cấp độ phòng ngừa dành cho trẻ em trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở đã được giới thiệu tại Hội thảo./.