Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại “Hội nghị kết nối cung cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021” vừa được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh kết nối trực tuyến với điểm cầu Bộ Công Thương và 29 điểm cầu từ các tỉnh, thành phố.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương. Ảnh: BCT |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là một sáng kiến quan trọng để tìm kiếm đầu ra phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm của các địa phương.
Qua 10 năm triển khai, các chương trình đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng. Các hệ thống phân phối TP. Hồ Chí Minh đã tìm được nhiều nhà cung cấp uy tín, các sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền từ các địa phương để cung ứng cho người tiêu dùng, từ đó giải quyết đầu ra cho các sản phẩm.
Theo các đại biểu dự Hội nghị, thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, doanh thu tại thị trường trong nước vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế và hoạt động kết nối cung cầu của Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào kết quả này.
Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và phối hợp tích cực với các đơn vị, DN đẩy mạnh triển khai chương trình bình ổn thị trường. Các DN tham gia chương trình đã tổ chức cung ứng hàng hóa và có những phương án cung ứng linh hoạt, phù hợp với mọi cấp độ dịch bệnh. Đây đều là những đơn vị, DN tham gia thường xuyên vào hoạt động kết nối cung cầu, bình ổn thị trường.
Gian hàng kết nối cung cầu trực tiếp tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: BCT |
Hiện nay, để “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình hỗ trợ DN phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương các địa phương cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của các chương trình bình ổn thị trường, kết nối cung cầu hàng hóa, trong đó tập trung hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm thiết yếu.
Cùng với đó, cần nhân rộng mô hình và trao đổi kinh nghiệm với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố có nguồn cung hàng hoá đa dạng, dồi dào, hình thành chuỗi liên kết hàng hoá chặt chẽ, đảm bảo sự minh bạch trong nguồn gốc hàng hoá và an toàn thực phẩm, từng bước phát triển thương hiệu hàng Việt Nam với người tiêu dùng trong nước và thế giới.
Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương các địa phương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu và chủ động tham mưu, đề xuất với lãnh đạo địa phương về phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân.
Đặc biệt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng yêu cầu Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh và các Sở Công Thương đôn đốc các DN triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ DN phục hồi sau dịch bệnh. Trong đó, cần tạo điều kiện cho các DN tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng sâu vùng xa, khu vực biển đảo... nhằm tăng khả năng tiếp cận với hàng bình ổn giá cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp.