Xem xét, đánh giá kỹ việc tăng giờ làm thêm của người lao động

(BKTO) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 9, chiều ngày 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét dự thảo Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.



Tăng giờ làm thêm đáp ứng nhu cầu cấp bách

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, để kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình UBTVQH xem xét tăng số giờ làm thêm trong 1 tháng, trong 1 năm của người lao động và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc. Thời gian thực hiện từ ngày ký đến thời điểm các biện pháp quy định tại điểm 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV hết hiệu lực thi hành.                
   

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn

   

Nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết là khác so với Bộ luật Lao động năm 2019; thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, trong bối cảnh đặc biệt, đáp ứng yêu cầu cấp bách, đồng thời, để việc triển khai chính sách hỗ trợ được tiến hành trong thời gian sớm nhất, kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đề nghị UBTVQH căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 xem xét, quyết định thông qua.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Đảng, Nhà nước đối với người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; cũng như nhằm kịp thời phát hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp đặc biệt này như một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

   

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thuý Anh, hiện nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau về vấn đề này. Nhằm bảo đảm sức khỏe, an toàn lao động cho người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các đối tượng và các ngành, nghề, công việc, trường hợp khác mà việc tăng mức trần thời giờ làm thêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu làm việc… để quy định (theo hướng loại trừ). Đồng thời đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, quy định về việc giới hạn số tháng liên tục được áp dụng mức trần tối đa.

Căn cứ vào kết quả phiên họp thẩm tra, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đồng thời với việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có) để Nghị quyết thực hiện được ngay sau khi ban hành.

Đồng thời, đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của các công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đàm phán linh hoạt và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp…

Bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người lao động

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên UBTVQH bày tỏ tán thành với sự cần thiết của việc ban hành dự thảo Nghị quyết. Các ý kiến cho rằng, cần quy định để vừa bảo vệ người lao động vừa trả công xứng đáng cho việc người lao động đã làm thêm trên thực tế. Bên cạnh đó, cần đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo sức khoẻ và điều kiện lao động lâu dài cho người lao động; căn cứ vào yêu cầu công việc, sức khoẻ của người lao động, điều kiện của người lao động và phải đảm bảo thoả thuận bình đẳng công khai, trả công xứng đáng và theo thoả thuận.
                
   

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận sơ bộ nội dung thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

   

Các đại biểu cũng đề nghị, trong quá trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, cơ quan soạn thảo cần lấy ý kiến người lao động, lắng nghe thêm ý kiến các DN khác, các cơ quan tổ chức đại diện cho các hiệp hội ngành nghề… nhằm có cơ sở thực tiễn để khi ban hành Nghị quyết sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với mong muốn của các DN cũng như người lao động.

Kết luận sơ bộ nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong thời gian ngắn đã tổ chức nghiên cứu, phối hợp thẩm tra tốt về dự thảo Nghị quyết. Về cơ bản, dự thảo Nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc áp dụng thời gian làm thêm trong năm.

Để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến góp ý của UBTVQH tại phiên họp, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội và phối hợp với cơ quan thẩm tra xây dựng báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn (nếu có) trình UBTVQH xem xét thông qua tại đợt 2 của Phiên họp thứ 9 của UBTVQH./.

Đ. KHOA
Cùng chuyên mục
Xem xét, đánh giá kỹ việc tăng giờ làm thêm của người lao động