Xếp hạng đại học: Cơ hội để nâng cao vị thế của các trường

(BKTO) - Theo xu thế chung của thế giới, các trường đại học (ĐH) Việt Nam ngày càng chú trọng đến vấn đề xếp hạng và từng bước coi đây là cơ hội để nhìn lại chính mình, từ đó cải thiện chất lượng, nâng cao uy tín, thương hiệu của trường đến với xã hội, với người học và hội nhập quốc tế.



Chú trọng tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho nghiên cứu

Tại Hội nghị về công tác xếp hạng ĐH do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 26/8, các đại biểu đã tập trung thảo luận thực trạng, đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác này trong thời gian tới.

Nhấn mạnh công bố quốc tế, nghiên cứu khoa học là nhân tố quan trọng mang đến xếp hạng cho cơ sở giáo dục ĐH, PGS,TS. Trần Quốc Bình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã chia sẻ một số kinh nghiệm thúc đẩy công bố quốc tế, hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của Trường. Theo đó, các trường cần chú trọng xây dựng văn hóa công bố quốc tế và đăng ký sở hữu trí tuệ; tổ chức các diễn đàn trao đổi, chia sẻ để nâng cao khát vọng và kinh nghiệm công bố quốc tế; có chính sách hỗ trợ, khen thưởng thường xuyên đối với bài báo quốc tế, sách chuyên khảo quốc tế. Việc tìm kiếm nguồn lực cho nghiên cứu cũng được chú trọng, thông qua tăng cường đề xuất và triển khai các dự án đầu tư thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu; khuyến khích cán bộ đăng ký đề tài với sản phẩm công bố quốc tế và chủ động trong hợp tác quốc tế.
                
   

Việc thu hút nguồn giảng viên, nhà khoa học và sinh viên giỏi sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học. Ảnh: N.LỘC

   

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm cả giảng viên và sinh viên. Phó trưởng Ban Hợp tác và Phát triển (ĐH Quốc gia Hà Nội) Lê Tuấn Anh nêu một số biện pháp thu hút, nâng cao số lượng sinh viên quốc tế như: Xây dựng các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đào tạo bằng tiếng Anh; Phát triển các chương trình trao đổi sinh viên với các đối tác quốc tế; nâng cấp cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế (phòng ở ký túc xá, phòng học, …)

Đối với giảng viên nước ngoài, cần lưu ý đến quyền lợi và nghĩa vụ của cán bộ giảng dạy, thỉnh giảng có quốc tịch nước ngoài; phát triển cơ sở vật chất và khu lưu trú phù hợp, đáp ứng được yêu cầu làm việc của chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài; triển khai chương trình trao đổi giảng viên, học giả quốc tế nhằm thu hút các giáo sư, giảng viên giỏi nước ngoài tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo.

Dẫn số liệu Trường ĐH Kinh tế đã tiếp nhận 824 học giả đến trao đổi học thuật và hợp tác nghiên cứu từ năm 2016 đến 2020, Hiệu trưởng Nguyễn Trúc Lê cho biết, để đạt kết quả này, Trường đã tăng cường kết nối thông qua hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật; xây dựng kế hoạch chiến lược và xác định rõ chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ trong ngắn hạn và dài hạn; tăng cường và phát triển đội ngũ giảng viên có chất lượng tham gia nghiên cứu, trao đổi học thuật.

Cơ sở đại học cần song hành nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo

Kinh nghiệm rút ra qua thực tế triển khai, chia sẻ của các trường, các đơn vị thành viên ĐH Quốc gia Hà Nội đã nhận được sự quan tâm của nhiều cơ sở giáo dục ĐH, cũng như cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục.

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo), suốt một thời gian dài, nhiều trường ĐH được thành lập với số lượng lớn, song nếu xét về chất lượng cụ thể thì chưa tương xứng. Nhiều trường ĐH chỉ lo bài toán đào tạo, tuyển sinh, xoay xở với "cơm áo gạo tiền". "Đáng lẽ với trường ĐH, nghiên cứu và đào tạo là hai chân song hành, thậm chí nghiên cứu phải được coi trọng hơn" -đại diện Cục Quản lý chất lượng cho biết.
                
   

Hoạt động nghiên cứu khoa học cần được các trường chú trọng hơn để tiến tới xếp hạng. Ảnh: N.LỘC

   

Theo đó, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế các trường ĐH là phải tham gia xếp hạng minh bạch, tiếp cận theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, trước khi tiến ra thế giới, các trường cần đảm bảo yêu cầu kiểm định ngay từ trong nước.
         
Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở giáo dục ĐH của Việt Nam đã được xếp hạng vào nhóm những ĐH xuất sắc của thế giới và Châu Á, như: ĐH Quốc gia, ĐH Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Bách khoa Hà Nội... Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội luôn giữ vị trí trong nhóm 801-1000 các trường ĐH tốt nhất thế giới ở cả hai Bảng xếp hạng của QS và THE (tổ chức đánh giá giáo dục uy tín hàng đầu thế giới); thuộc nhóm top 101-150 ĐH trẻ tốt nhất thế giới của QS và là cơ sở ĐH đứng đầu cả nước trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo.

Còn theo Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn, để tham gia sâu hơn vào hoạt động đánh giá, các trường cần thúc đẩy các chỉ số về nghiên cứu, xây dựng chính sách và kế hoạch triển khai hoạt động nhằm gia tăng số lượng và chất lượng công bố khoa học; có chính sách phát triển hợp tác quốc tế nhằm gia tăng tỷ lệ học giả và người học quốc tế tới nghiên cứu và làm việc.

Về định hướng để nâng cao vị thế của ĐH Quốc gia Hà Nội ở các bảng xếp hạng ĐH thời gian tới, ông Sơn cho biết, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tập trung gia tăng các chỉ số về đào tạo, cũng như nghiên cứu. Các đơn vị đào tạo, nghiên cứu thành viên, trực thuộc dựa theo điểm mạnh để xây dựng chỉ tiêu và kế hoạch công tác xếp hạng ĐH năm học 2021-2022.
NGUYỄN LỘC
Cùng chuyên mục
Xếp hạng đại học: Cơ hội để nâng cao vị thế của các trường