Xu hướng tất yếu trong phát triển công trình xanh

(BKTO) - Việc phát triển các công trình xanh thân thiện với môi trường ở Việt Nam những năm gần đây đã trở thành xu hướng tất yếu trong lĩnh vực xây dựng. Đây là giải pháp hiệu quả góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; nâng cao chất lượng sống của người dân tại các khu đô thị.




Phát triển các công trình xanh là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu. Ảnh minh họa

Mang lại nhiều lợi íchvề kinh tế - xã hội

Bộ Xây dựng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế đến năm 2030 theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật. Thực hiện cam kết này, ngành xây dựng đã và đang thực hiện thông qua các chính sách như: Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 02/10/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW đặt ra các nhiệm vụ cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong ngành xây dựng; Luật Xây dựng sửa đổi (2020); Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050… Vì vậy, phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng là một trong các giải pháp và là xu hướng tất yếu.

Thực tế những năm gần đây, các DN xây dựng cũng có nhiều thay đổi trong tầm nhìn và định hướng phát triển, hướng tới cung cấp ra thị trường những công trình có nhiều yếu tố xanh và hiệu quả năng lượng. Các dự án trình diễn của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) về ứng dụng các giải pháp kỹ thuật giảm thiểu tiêu thụ năng lượng trong công trình mới và công trình cải tạo cho thấy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt được từ 25 - 67%/công trình, với chi phí gia tăng từ 0 - 3% tổng mức đầu tư/công trình và thời gian hoàn vốn tối đa là 5 năm.

Phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng chỉ rõ, việc thúc đẩy phát triển dòng vật liệu thân thiện với môi trường được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao mỗi năm để sản xuất vật liệu xây dựng không nung. Qua đó, tiết kiệm được 1.000ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải, tro, xỉ, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công.

Còn theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, trong Hệ thống tiêu chí công trình xanh có nhiều tiêu chí khuyến khích bảo vệ không gian đô thị, nếu được áp dụng rộng rãi sẽ giảm tải lên hệ thống hạ tầng đô thị, góp phần cải thiện chất lượng sống cho cư dân đô thị. Mỗi Hệ thống tiêu chí đều có rất nhiều tiêu chí về tiện nghi nhiệt, khả năng thông gió, chiếu sáng tự nhiên, chất lượng tầm nhìn, tiện nghi âm học, quản lý chất hóa học dễ bay hơi trong vật liệu… nhằm cải thiện sức khỏe của người sử dụng công trình.

Nâng cao nhận thứcvề công trình xanh

Mặc dù giải pháp phát triển công trình xanh mang lại lợi ích rất lớn song theo thống kê của Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), đến quý III/2020, tổng số công trình xanh được chứng nhận tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở con số 155 công trình, một con số khá khiêm tốn so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Theo các chủ đầu tư, rào cản lớn nhất trong việc đầu tư xây dựng một công trình xanh là chi phí ban đầu cao, thời gian thu hồi vốn lâu hơn, nhất là những công trình đã hoàn thành và nay muốn nâng cấp để tiết kiệm năng lượng hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia xây dựng dự báo, trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu tăng, yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng chặt chẽ và đặc biệt là nhu cầu thị trường sẽ là những động lực thúc đẩy giới chủ đầu tư tìm kiếm các thiết kế xanh, tiết kiệm môi trường cho các toà cao ốc. Do đó, công trình xanh sẽ có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm tới.

Để thúc đẩy xu hướng phát triển công trình xanh, nhiều ý kiến cho rằng, cùng với việc hoàn thiện quy định pháp luật về công trình xanh, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền về những lợi ích, hiệu quả của công trình xanh trong lĩnh vực xây dựng để góp phần thay đổi và nâng cao nhận thức, thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam ngày càng mạnh mẽ hơn. Cùng với đó, Nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi, cụ thể hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời có chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với những chủ đầu tư xây dựng, phát triển công trình xanh, có tỷ lệ sử dụng nhiều vật liệu thân thiện với môi trường.

Nhằm nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong việc thúc đẩy sự phát triển các công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, từ ngày 9 - 11/12, Bộ Xây dựng tổ chức Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam năm 2020 với nhiều hoạt động hội thảo, tọa đàm, nhằm tạo diễn đàn chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm về xây dựng cơ chế, chính sách; các công nghệ, sản phẩm, thiết bị, vật liệu mới nhằm phát triển công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, thúc đẩy các dự án phát triển đô thị theo hướng giảm tác động đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Sự kiện cũng thể hiện nỗ lực và hành động cụ thể của Việt Nam trong việc góp phần thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biển đổi khí hậu và phát triển bền vững.

N.HỒNG
Cùng chuyên mục
Xu hướng tất yếu trong phát triển công trình xanh