Đó là những bất cập được nhiều đại biểu Quốc hội chỉ ra và đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm.
Khó xác lập giá trị tài sản tài trợ
Theo đánh giá của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”, việc quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí phòng, chống dịch từ ngân sách nhà nước (NSNN) trong và sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch còn chậm trễ, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.
Sau khi kiểm soát được dịch, chưa làm tốt việc giải thể, bàn giao, quản lý tài sản, thanh toán, quyết toán liên quan đến các bệnh viện dã chiến, trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung điều trị Covid-19.
Làm rõ thêm những bất cập này, đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho biết, trong điều kiện dịch bệnh cấp bách, hầu hết các trang thiết bị, vật tư phục vụ phòng, chống dịch phải phân bổ ngay cho các cơ sở y tế để kịp thời điều trị cho người bệnh.
Nhưng đến nay, các tài sản này chưa được thực hiện thủ tục xác lập sở hữu toàn dân. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng không nêu cụ thể trường hợp nào phải lập thành hợp đồng tặng, cho tài sản, dẫn đến khó khăn cho việc xác lập sở hữu toàn dân.
“Nhiều trường hợp nhà tài trợ không cung cấp giá trị tài sản hoặc giá trị tài trợ, biên bản tài trợ có sự chênh lệch rất lớn so với giá mặt hàng tương đương được công bố công khai. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị hàng hóa tài trợ…” - đại biểu Tráng A Dương nêu thực tế.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) chỉ rõ, theo báo cáo, nguồn kinh phí ngoài ngân sách là 43,6 nghìn tỷ đồng được huy động để trực tiếp phòng chống dịch; 11,6 nghìn tỷ đồng huy động vào Quỹ Vắc xin và 160 triệu liều vắc xin quy ra khoảng 24 nghìn tỷ đồng. Nhiều địa phương đang gặp vướng mắc trong thanh quyết toán nguồn kinh phí này.
“Có địa phương trong cao điểm chống dịch được tài trợ xe chuyên dụng phục vụ xét nghiệm lưu động giá trị khoảng 7 tỷ đồng. Nhưng sau khi sử dụng xong lại cất đi vì không biết xác lập giá trị tài sản này như thế nào và quản lý, sử dụng ra sao” - đại biểu dẫn chứng và cho rằng, nếu không tháo gỡ việc thanh, quyết toán cho nguồn tài sản này sẽ khiến các địa phương gặp vướng mắc.
Nhiều tài sản vật chất tài trợ, ủng hộ nhưng thiếu hồ sơ, chứng từ thuế… nên nhiều địa phương không biết ứng xử như thế nào, xác lập ra sao để ra giá trị thuộc sở hữu toàn dân, từ đó sử dụng và khai thác hợp lý.
Nghị quyết giám sát phải nêu rõ thực trạng thanh, quyết toán đối với nguồn ngoài NSNN và có các giải pháp chỉ đạo, đề xuất để tháo gỡ, tránh lãng phí các nguồn lực quý giá đã huy động được.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn Bắc Kạn) phản ánh, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, nhưng một số địa phương vẫn đang nợ vật tư, sinh phẩm trong phòng, chống dịch Covid-19 và chưa có phương án tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan sớm tham mưu, nhanh chóng có phương án xử lý vướng mắc này cho các địa phương.
Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, đơn vị tiếp nhận căn cứ vào hóa đơn xuất của bên viện trợ để ghi tăng tài sản công, không bắt buộc thẩm định lại mà chỉ khi tài sản được sử dụng hoặc sử dụng đến khi thanh lý thì mới cần phải xác định giá tối thiểu để bán đấu giá.
“Chúng tôi sẽ có hướng dẫn cụ thể hơn nội dung này để các đơn vị thực hiện” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Công khai, minh bạch quyết toán nguồn lực phòng, chống dịch
Đề cập đến việc thanh toán, quyết toán nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) cho rằng, báo cáo của Đoàn giám sát và Dự thảo Nghị quyết giám sát chưa đề cập đến công tác quyết toán việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực này, nhất là nguồn lực được huy động đóng góp bằng tiền mặt.
Theo Báo cáo, kết quả quyết toán chi các nguồn lực huy động phục vụ công tác phòng, chống dịch chưa rõ ràng, khoản tiền huy động từ nguồn ngoài ngân sách cũng chưa có cơ chế để quyết toán.
Trong Báo cáo quyết toán NSNN năm 2021, nguồn lực chi từ NSNN cho nội dung này cũng chưa được báo cáo rõ và các số liệu này không khớp với các số liệu trong quyết toán NSNN năm 2021.
Nhấn mạnh việc công khai kết quả sử dụng quyết toán các khoản chi tiêu là rất quan trọng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch, tạo niềm tin cho nhân dân, doanh nghiệp trong sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn huy động, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bổ sung quy định giao Chính phủ thực hiện quyết toán riêng toàn bộ số tiền huy động và sử dụng để phòng, chống dịch gồm cả nguồn NSNN và nguồn ngoài ngân sách, báo cáo Quốc hội khi quyết toán NSNN niên độ 2022.
Đồng thời, giao Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương quyết toán các khoản huy động ngoài NSNN, đề xuất phương án sử dụng số kinh phí huy động còn lại.
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh) chỉ rõ, để giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí phòng, chống dịch Covid-19, Quốc hội đã có Nghị quyết số 80/2023/QH15 quy định kéo dài thời gian thực hiện việc thanh toán chi phí phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 đến 31/12/2023; nhưng đến nay chưa có văn bản chi tiết hướng dẫn thực hiện.
Đại biểu đề nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết sau giám sát quy định cho phép Chính phủ xây dựng văn bản chi tiết thực hiện Nghị quyết số 80/2023/QH15 về thanh toán chi phí phòng, chống dịch theo chương trình, thủ tục rút gọn, có phân cấp cho địa phương quyết định một số nội dung thông qua HĐND, UBND.