Xuất khẩu lao động: Giải pháp giảm nghèo bền vững

(BKTO) - Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững hiện nay ở nhiều địa phương.

xkld.jpeg
Công tác XKLĐ đã thực sự khởi sắc, mở ra nhiều triển vọng cho các địa phương nâng cao chất lượng lao động cũng như xóa đói giảm nghèo. Ảnh minh họa

6 tháng, lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt 66,72% kế hoạch

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), riêng tháng 6/2023, cả nước có 12.649 lao động đi làm việc ở nước ngoài, xấp xỉ 0,82 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 lao động, đạt 65,72% kế hoạch năm 2023 và gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường Nhật Bản 34.508 lao động, Đài Loan 31.538 lao động, Hàn Quốc 1.608 lao động, Trung Quốc 902 lao động nam, Singapore 727 lao động nam, Hungary 712 lao động….

Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, Nhật Bản là thị trường tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam đến làm việc. Bộ LĐTBXH cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện các cải tiến chính sách để người lao động nước ngoài có tay nghề cao có thể lưu trú lâu dài. Nhật Bản sẽ mở thêm 9 ngành nghề về chế biến thực phẩm và nhà hàng, tăng số lượng lao động kỹ năng tiếp nhận từ nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam.

Cùng với Nhật Bản, mới đây, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Việc làm và Lao động Hàn Quốc Lee Jung Sik ký và trao Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc. Bản ghi nhớ có hiệu lực 2 năm kể từ ngày ký và vẫn có hiệu lực trong thời gian đàm phán gia hạn mới sẽ tạo điều kiện cho nhiều người lao động (NLĐ) Việt Nam đến Hàn Quốc làm việc - thị trường có thu nhập cao, bình quân từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.

Có thể thấy, 6 tháng đầu năm, công tác XKLĐ đã thực sự khởi sắc, mở ra nhiều triển vọng cho các địa phương nâng cao chất lượng lao động cũng như thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Nâng mức hỗ trợ vay vốn

Nhiều năm qua, Bắc Giang là điểm sáng của cả nước về thực hiện tốt chính sách xuất khẩu lao động (XKLĐ). Người dân được tạo việc làm với thu nhập cao, nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Thống kê của Sở LĐTBXH Bắc Giang cho biết, hiện nay, tỉnh Bắc Giang có khoảng 14.200 người đi XKLĐ, tập trung ở các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông...; chủ yếu là lao động phổ thông làm việc ở lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Nhìn chung, NLĐ của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu của các nước.

Nhận thấy đẩy mạnh XKLĐ là giải pháp quan trọng để xóa đói giảm nghèo, hằng năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng tạo điều kiện và tổ chức cho NLĐ học nghề, vay vốn tại các ngân hàng, làm thủ tục pháp lý để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tùy theo khả năng, mỗi địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đối với người tham gia XKLĐ.

Tương tự, Cầu Ngang (Trà Vinh) là một trong những huyện có người trong độ tuổi lao động đi XKLĐ nhiều nhất trong tỉnh. Trung bình mỗi lao động tham gia XKLĐ gửi tiền về nước từ 15 - 20 triệu đồng/tháng, một số lao động làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… gửi về từ 20 - 30 triệu đồng/tháng. Phần lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, cao hơn mức lương ở trong nước.

Sau khi hết hạn về nước, hầu hết lao động có cuộc sống ổn định,  một số lao động tiếp tục gia hạn hợp đồng để phát triển kinh tế gia đình. Đặc biệt, NLĐ sau khi về nước đã tích lũy được nhiều kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, công nghệ và sản xuất chế tạo. Do vậy, nhiều lao động sau khi hết hạn hợp đồng về nước xin vào làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một bộ phận lao động dùng tiền tích lũy đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển sang công việc khác có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp.

Có thể thấy, hiện nay, thị trường XKLĐ ngày càng rộng mở không chỉ gói gọn ở những thị trường truyền thống, thu nhập thấp mà đã mở ra nhiều cơ hội đi làm thu nhập cao tại những thị trường khó tính. Đây không chỉ là cơ hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo mà còn là chìa khóa để nâng chất lượng nguồn nhân lực.

Để hỗ trợ NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách vay vốn.

Ông Lê Ngọc Toàn - Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH - cho biết: Các chính sách hỗ trợ cho vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 127.000 NLĐ, mở ra cơ hội làm việc ở nước ngoài cho NLĐ thuộc các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo… tạo điều kiện để NLĐ có việc làm và thu nhập ổn định.

Mặc dù vậy, theo ông Toàn, các địa phương phản ánh hạn mức được vay khi đi làm việc ở nước ngoài còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân khi đi làm việc ở nước ngoài, nhất là với những thị trường tiềm năng.

Thực tế, quá trình triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách đối với việc làm, duy trì và mở rộng việc làm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Nhu cầu về nguồn vốn cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là rất lớn, nguồn vốn không đủ để đáp ứng cho vay các đối tương thụ hưởng. Từ thực tế này,  ông Phạm Thanh Hùng - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre - đề xuất: Cần có cơ chế chính sách để bổ sung nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về việc làm để thực hiện cho vay. /.

Cùng chuyên mục
Xuất khẩu lao động: Giải pháp giảm nghèo bền vững