Xuất khẩu lao động: Lượng tăng nhưng chất chưa tương xứng

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã đưa được số lượng lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ số về chất lượng lao động lại chưa có nhiều đột phá.



                
   

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

   

Chất lượng lao động còn thấp

Với kinh nghiệm hơn 10 năm đưa lao động đi Nhật Bản, ông Nguyễn Xuân Lanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, TP. HCM - không phủ nhận những thành quả mà hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đem lại.

Tuy nhiên theo ông Lanh, chất lượng của công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn còn rất nhiều vấn đề đáng bàn dù hiện nay, Việt Nam đã đưa lao động đi làm việc ở những thị trường chiến lược. Đây là những thị trường mang lại thu nhập cao, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Song con số này vẫn còn khá khiêm tốn và mới chỉ dừng ở một số thị trường ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

"90% người đi làm việc ở ngoài nước vẫn chủ yếu là nhóm tay nghề thấp, hạn chế về chuyên môn, ngoại ngữ. Tỷ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia không quá 10%. XKLĐ nhiều năm tập trung giải quyết công ăn việc làm cho lao động nghèo mà chưa quan tâm tới nhóm có khả năng học tập, tiếp nhận tay nghề, công nghệ, tư duy quản lý của nước ngoài như sinh viên, học viên trường nghề"- ông Nguyễn Xuân Lanh cho biết.

Ngoài chất lượng lao động thấp, TS. Nguyễn Đình Quốc Cường - Đại học Quốc gia TP. HCM - lại nhìn thấy 4 vấn đề nhức nhối của hoạt động XKLĐ hiện nay. Đó là lừa đảo của công ty môi giới xâm hại đến hình ảnh của lao động Việt Nam ở nước ngoài; nhiều công ty, nghiệp đoàn e ngại dùng lao động Việt Nam bởi không đủ trình độ, kỹ năng; biến tướng của hoạt động buôn người công nghệ cao và tình trạng bỏ trốn của lao động Việt Nam.

Thực tế cho thấy, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Giai đoạn 2013-2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài. Lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước…

Tuy nhiên, công tác tổ chức và quản lý XKLĐ hiện nay còn rất nhiều rủi ro, yếu kém. Trong đó, vấn đề chất lượng nguồn nhân lực thấp dẫn đến hiệu quả đem lại chưa tương xứng là điều trăn trở hiện nay. Cùng với đó, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn (không về nước khi mãn hạn hợp đồng), hoặc phá hợp đồng (bỏ ra ngoài làm việc); tình trạng lừa đảo XKLĐ, thu phí quá cao, hoạt động môi giới trái phép, đi nước ngoài "chui"… vẫn diễn ra nhức nhối.

Thay đổi tư duy

Theo các chuyên gia, để công tác XKLĐ mang lại hiệu quả như kỳ vọng, cần đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, kiến thức văn hóa bản địa và nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật nước sở tại của người lao động.

Trong đó, cần đặc biệt chú trọng, chấn chỉnh ngay những mặt tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Việc nâng cao năng lực tổ chức và quản lý là hết sức cần thiết để hoạt động XKLĐ đi vào thực chất, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lanh cho rằng, bên cạnh những chính sách, cơ chế, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh XKLĐ là phải thay đổi tư duy. Trước hết là ở phía người lao động.

Lâu nay, người lao động vẫn mang tâm thế đi xuất ngoại để đổi đời. Với tâm lý này, họ dễ rơi vào vòng luẩn quẩn khi về nước khó tìm việc làm, thậm chí thất nghiệp. Các cơ quan quản lý một lần nữa đau đầu giải bài toán việc làm sau xuất khẩu.

"Nếu làm tốt việc tuyển chọn và đào tạo cho họ trước khi xuất cảnh thì lao động vừa kiếm tiền vừa học hỏi trong thời gian làm việc. Khi về nước, họ có thể tự tìm việc mà không cần sự hỗ trợ hay can thiệp của bất kỳ cơ quan nào. Đây cũng là chìa khóa để Việt Nam nâng hình ảnh trên thị trường lao động quốc tế"- ông Lanh nhấn mạnh.

Về lâu dài, ông Lanh kiến nghị Nhà nước có lộ trình đàm phán mở rộng hợp tác các ngành nghề chuyên môn để tăng tỷ lệ lao động kỹ thuật cao đi làm việc tại nước ngoài. Nhóm này sẽ là nguồn lực giúp Việt Nam tiếp cận nền sản xuất tiên tiến của các nước, phục vụ quê hương.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Lương Trào - nguyên Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam - cho rằng: Đã đến lúc cần tính toán tăng tỷ lệ lao động chất lượng cao trong cơ cấu xuất khẩu. Thậm chí, "đón lõng" sinh viên đại học, cao đẳng tham gia chương trình, ngành nghề cần loại hình lao động này.

Ở góc độ địa phương, ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cũng cho rằng, hiện nay, Việt Nam đa số chỉ tiếp cận thị trường lao động thấp, không có đột phá trong lĩnh vực XKLĐ. Bên cạnh đó, còn tình trạng lao động bỏ ra ngoài sống bất hợp pháp. Do đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh cần xây dựng quy hoạch, chiến lược đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài.

"Cần có giải pháp tổng thể, chương trình XKLĐ trong giai đoạn 2022-2030. Việc đưa lao động đi nước ngoài ở thị trường nào, ngành nghề nào, trình độ nào, quốc gia nào cũng cần có chiến lược dài hơi trong 5 năm, 10 năm và giao các bộ, ngành triển khai"- ông Dũng đề xuất./.

THÀNH ĐỨC
Cùng chuyên mục
Xuất khẩu lao động: Lượng tăng nhưng chất chưa tương xứng