Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, hướng đến vượt mục tiêu năm 2025

(BKTO) - Kết thúc năm 2024, xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD theo kế hoạch. Kết quả này đã chứng tỏ sự quyết tâm, nỗ lực của ngành thủy sản, đặc biệt là các doanh nghiệp thủy sản sẵn sàng vượt qua mọi thách thức để bứt phá trong năm tới…

thuy-san.jpg
Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, hướng đến vượt mục tiêu năm tới. Ảnh ST

Thách thức bủa vây, xuất khẩu thủy sản vẫn “nước rút” về đích

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy hải sản (VASEP), cho biết: Năm 2024, ngành thủy sản đặt mục tiêu trọng tâm là đưa kim ngạch xuất khẩu hồi phục trở lại mức 10 tỷ USD, trong bối cảnh lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy, nhưng phục hồi chậm, tác động đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine, giao tranh ở Trung Đông và các vấn đề địa chính trị khác trên thế giới tiếp tục làm xáo trộn thương mại toàn cầu; trong đó có thị trường thủy sản. Hệ lụy đã làm chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản tăng cao gây ra cơn lốc lạm phát mới ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thủy sản.

Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần sáng tạo, khả năng thích ứng linh hoạt và sự quyết tâm cao, ngành thủy sản đã vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành tích ấn tượng là 10 tỷ USD về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, theo mục tiêu đề ra. 

Trong đó, nhiều sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng tốt như: tôm đạt 4 tỷ USD; cá tra 2 tỷ USD; cá ngừ 1 tỷ USD; cá khác 1,9 tỷ USD; mực, bạch tuộc 662 triệu USD; cua ghẹ và giáp xác khác 335 triệu USD; nhuyễn thể có vỏ 215 triệu USD…

Đáng chú ý, càng về thời điểm cuối năm, xuất khẩu thủy sản đã thể hiện cuộc “nước rút” ngoạn mục khi ngay trong tháng đầu tiên của quý 4, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 1,1 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Đây cũng là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại mức 1 tỷ USD - một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng, thủy sản Việt Nam sẽ tiến xa hơn với mốc 11 tỷ USD năm 2025. Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp thủy sản Việt Nam gia tăng thị phần, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến

Các chuyên gia cho rằng, những con số xuất khẩu thể hiện ngành thủy sản đang đi đúng hướng trong việc phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình nuôi trồng và chế biến, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu.

“Những bước tiến này đã và đang khẳng định vị thế của ngành thủy sản Việt Nam, khẳng định năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế” - Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam Hoàng Đình Yên cho biết.

Đánh giá cao những kết quả ngành thủy sản đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, kết quả này càng trở nên ấn tượng, trong một năm đầy thách thức, đặc biệt là cơn bão Yagi (Bão số 3) đã gây thiệt hại lớn cho ngành thủy sản, gây thiệt hại kinh tế hàng trăm tỷ đồng cho các doanh nghiệp và bà con nông, ngư dân.

“Toàn ngành đã nỗ lực vượt qua, duy trì tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu, từ đó đóng góp chung vào điểm sáng của ngành nông nghiệp năm qua” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận.

Tạo động lực tăng trưởng mới cho ngư dân, doanh nghiệp

Ấn tượng với kết quả đạt được của xuất khẩu thủy sản năm qua, song các chuyên gia cũng cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam vẫn chưa thể có sự bứt phá mạnh mẽ; trong khi vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu thay đổi nhanh chóng và bất định.

Phân tích thêm về vấn đề này, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VASEP Nguyễn Hoài Nam chỉ ra, trong 5-6 năm qua, kết quả xuất khẩu thủy sản chỉ “loanh quanh 8-10 tỷ USD”. Chỉ số tăng trưởng lúc 2%, lúc 6%. Ngoại trừ năm 2022, thủy sản Việt Nam xuất khẩu được 11 tỷ USD, tăng 23%. Trong khi theo Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2023, ngành này cần hướng đến mục tiêu xuất khẩu 16 tỷ USD. 

“Để đạt mục tiêu này, ngành thủy sản cần có trợ lực, động lực tăng trưởng mới” - ông Nam cho biết.

Trong đó, tạo động lực cho nông, ngư dân nuôi trồng và khai thác là vấn đề cốt lõi quan trọng. Nông, ngư dân là lực lượng lớn tham gia trong ngành, nhưng không ít trong số đó vẫn còn khó khăn, còn những bất cập khác nhau.

Do đó, ông Nam kiến nghị rà soát các quy định pháp luật để người dân nuôi trồng thủy sản có thể thế chấp, có thể vay vốn ngân hàng một cách bình thường; Cấp giấy phép mặt nước cho người dân (như dạng “sổ đỏ”) để người dân có thể vay vốn từ các quỹ hoặc ngân hàng.

dsc_0102.jpg
Tạo trợ lực mới cho ngư dân, doanh nghiệp thủy sản để bứt phá. Ảnh: N.Lộc

Nói về năm 2025, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) Trần Đình Luân cho biết, còn nhiều thách thức đan xen đối với xuất khẩu ngành thủy sản, trong đó, việc giải quyết thẻ vàng IUU, thích ứng với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các rào cản từ thị trường sẽ là mục tiêu quan trọng mà toàn ngành cần quyết tâm đạt được để hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Song ông Luân cũng dự báo, ngành thủy sản Việt Nam có nhiều cơ hội để vượt qua mốc 10 tỷ USD trong năm 2025 và tiến tới mục tiêu 11 tỷ USD, trong bối cảnh nguồn nguyên liệu được cải thiện và thị trường xuất khẩu được mở rộng; các doanh nghiệp ngày càng thích ứng tốt hơn với tình hình chung của thị trường. 

Đặc biệt, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín của các doanh nghiệp sẽ giúp chúng ta gia tăng thị phần, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế....

“Điều quan trọng là các bên cần chung tay tháo gỡ vưỡng mắc, khắc phục hạn chế nội tại để động lực mới, nâng cao khả năng cạnh tranh của thủy sản Việt Nam” - ông Luân lưu ý.

Kiến nghị cụ thể những vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang gặp khó, đại diện Hiệp hội VASEP đề nghị tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; Bộ Tài chính xem xét thống nhất thực thi việc ưu đãi thu nhập doanh nghiệp theo đối với sản phẩm thủy sản; giải quyết vướng mắc về thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các dự án đầu tư mở rộng, dự án mới có phát sinh doanh thu. 

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu về vốn để hiện đại hóa công nghệ chế biến, Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo ưu đãi lãi vay USD dưới 4% cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng, nhằm tạo cú hích để hỗ trợ các ngành này phát triển.

Do đó, các ý kiến đề nghị các ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho ngành lâm, thủy sản cần quán triệt mạnh mẽ tới toàn bộ các chi nhánh ngay khi tiếp nối triển khai chương trình. Các ngân hàng cần đơn giản, linh hoạt hơn về thủ tục, hồ sơ và điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu. 

Còn theo Hội Thủy sản Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực tự đổi mới mình để thích ứng với tình hình mới. Đơn cử, đối với các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đều có các yêu cầu về quản lý tài nguyên, yêu cầu phải chứng nhận thủy sản có nguồn gốc khai thác hợp pháp, quản lý và trách nhiệm.

Vì vậy, “các doanh nghiệp phải tự nhận thức được vấn đề này để thay đổi và thực hiện các quy định, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường” - ông Hoàng Đình Yên cho hay; đồng thời tin rằng với sự nỗ lực của các bên, xuất khẩu thủy sản năm 2025 hoàn toàn có thể chinh phục và vượt mục tiêu đề ra.

Cùng chuyên mục
  • Phân Bón Cà Mau công bố điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024
    7 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Ngày 31/12/2024, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau đã công bố điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh chính năm 2024 trên trang thông tin điện tử www.pvcfc.com.vn, mục Quan hệ Nhà đầu tư.
  • Bàn giải pháp “chắp cánh” cho doanh nghiệp Việt vươn ra biển lớn
    8 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN), nhất là DN nhỏ và vừa vươn ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để có thể tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức, sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước đóng vai trò rất quan trọng, là cầu nối “chắp cánh” cho DN tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu.
  • PC Quảng Ninh lan tỏa yêu thương thông qua các hoạt động tri ân khách hàng
    8 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Những ngày cuối năm 2024, bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo cung ứng điện cho phát triển sản xuất, kinh doanh, đời sống sinh hoạt của nhân dân và hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh được giao, Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) đã và đang triển khai nhiều hoạt động tri ân khách hàng sử dụng điện trên địa bàn tỉnh.
  • PVChem và triển vọng năm 2025
    9 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Với kế hoạch định hướng rõ ràng và quyết tâm đổi mới, năm 2025 sẽ là năm bản lề để Tổng Công Ty Hóa Chất Và Dịch Vụ Dầu Khí (PVChem) khẳng định vị thế trên thị trường và bứt phá cho giai đoạn tiếp theo. Sự kết hợp giữa tái cơ cấu mạnh mẽ, đầu tư nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa các nguồn lực sẽ giúp PVChem không chỉ vượt qua thách thức mà còn tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn trong tương lai.
  • Năm 2024: Supe Lâm Thao xuất sắc hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch
    9 ngày trước Doanh nghiệp
    (BKTO) - Năm 2024, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã nỗ lực xuất sắc hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu kế hoạch, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 215 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm, tăng 16% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu thủy sản cán đích 10 tỷ USD, hướng đến vượt mục tiêu năm 2025