Xuất khẩu diễn tiến khả quan
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 của cả nước ước đạt 516,96 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2018. Trong bối cảnh tổng cầu của kinh tế thế giới sụt giảm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, thể hiện nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành và cộng đồng DN.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 263,45 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2018, vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phân tích, cơ cấu hàng hóa tiếp tục cải thiện tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, chế biến, phù hợp với lộ trình đề ra, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Khác với các năm trước đây, động lực tăng trưởng xuất khẩu không đến từ nhóm nông sản, thủy sản mà đến từ các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp. Trong khi xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản giảm 4,5%; nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản giảm 9,7% thì nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 10% so với năm 2018. Tỷ trọng nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 84,33% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn mức 82,87% của năm 2018 và 81% của năm 2017.
Yếu tố tích cực nữa là quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên tăng mạnh tới 32 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 92,86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2019, thị trường xuất khẩu, nhập khẩu không chỉ tăng cường ở các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng và tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu sang các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đạt mức tăng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ Hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường.
Đáng chú ý, xuất khẩu của khối DN trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt. Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối DN trong nước đã cao hơn khối FDI. Năm 2019, khối DN trong nước xuất khẩu đạt 82,1 tỷ USD, tăng 17,7%; cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung cả nước và cao hơn 4 lần so với tốc độ tăng trưởng của khối FDI (kể cả dầu thô, đạt 4,2%). Qua đó, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực DN trong nước tiếp tục tăng lên, chiếm 31,16% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,61%).
Kiểm soát tốt tình hình, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn
Kim ngạch nhập khẩu năm 2019 ước đạt 253,5 tỷ USD, tăng 7%. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bình luận, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, trong những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Theo đó, nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các mặt hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 7,2%.
Điểm nhấn nổi bật nữa là cán cân thương mại năm 2019 ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục (9,94 tỷ USD), duy trì thặng dư 4 năm liên tiếp, góp phần làm tích cực cán cân thanh toán và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản sụt giảm do gặp khó về thị trường và giá bán, nhất là tại những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường. Một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng xuất khẩu như: sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước.
Mặc dù Việt Nam đã và đang rất tích cực, chủ động xử lý có hiệu quả các vấn đề trong tranh chấp thương mại, xử lý các biện pháp phòng vệ thương mại nhưng tình hình thế giới đang có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước. Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh đang làm gia tăng lo ngại hiện tượng hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc mượn Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ, rồi tái xuất đi Mỹ để né tránh thuế.
Bên cạnh đó, việc đàm phán, ký kết các FTA đã mang lại nhiều cơ hội cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh quốc gia, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại.
Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2020 tăng 6,8%, ngành công thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 - 8% so với năm 2019; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 2%. |
PHÚC KHANG