FPT là một trong 05 doanh nghiệp được trao Giấy xác nhận. Ảnh: BCT |
Phát triển và ứng dụng hợp đồng điện tử trong xã hội là mục tiêu quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.
Theo kế hoạch đã ban hành, mục tiêu Chính phủ đặt ra là đến năm 2025 có 80% doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử và đến năm 2030 đạt 100% doanh nghiệp ứng dụng hợp đồng điện tử.
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết, đến thời điểm này, sau thời gian hỗ trợ, hướng dẫn về trình tự thủ tục, pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật của dịch vụ, đã có 5 đơn vị được thẩm định hồ sơ đạt yêu cầu cấp xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Đây đều là những tập đoàn, công ty hàng đầu tại Việt Nam về các giải pháp công nghệ thông tin và viễn thông.
Ông Đặng Hoàng Hải nhấn mạnh, lễ trao giấy xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử này là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Đặc biệt, khi hợp đồng điện tử được triển khai rộng rãi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại số nói riêng và hoạt động thương mại tại thị trường trong nước, cũng như thương mại trong nước với quốc tế nói chung.
Trao Giấy xác nhận cho các doanh nghiệp, ông Đặng Hoàng Hải đề nghị các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật. Đồng thời tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực hợp đồng điện tử đảm bảo tuân thủ các nội dung Đề án cung cấp dịch vụ đã trình và được phê duyệt.
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ thường xuyên thẩm tra, kiểm tra giám sát việc hiện của các đơn vị và có thể hủy bỏ, chấm dứt đăng ký với các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử không thực hiện đúng các nội dung Đề án.
Bên cạnh đó, các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.
Trung tâm Tin học và Công nghệ số cần đảm bảo triển khai hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của các đơn vị, sớm kết nối với các hệ thống của Bộ Công An, Bộ Tư pháp, các cơ quan hòa giải, trọng tài thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ cho các tổ chức xác thực hợp đồng điện tử và doanh nghiệp, cá nhân ứng dụng hợp đồng điện tử./.