Ảnh minh họa. Nguồn: Internet |
Trong đó, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công an các lĩnh vực: Xuất nhập cảnh; phòng cháy, chữa cháy; cấp, quản lý căn cước công dân; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Với Bộ Công Thương, phân cấp giải quyết TTHC thuộc các lĩnh vực: Xuất nhập khẩu; điện; xúc tiến thương mại; lưu thông hàng hóa trong nước.
Phân cấp giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo các lĩnh vực: Kiểm định chất lượng giáo dục; giáo dục trung học; giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; đào tạo với nước ngoài.
Với Bộ Giao thông vận tải, phân cấp giải quyết TTHC các lĩnh vực: Hàng hải; đường bộ; đường thủy nội địa; đăng kiểm; hàng không; đường sắt...
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các quy định liên quan theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thấm quyền xem xét, ban hành.
Căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ báo cáo cấp có thẩm quyền áp dụng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản và theo trình tự, thủ tục rút gọn hoặc lồng ghép nội dung phương án phân cấp trong quá trình sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực thi Phương án phân cấp trong giải quyết TTHC được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định này, bảo đảm chất lượng, tiến độ và phù hợp với nhiệm vụ, lộ trình tại Quyết định này, Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình công tác của Chính phủ và Kế hoạch công tác của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Các Bộ, cơ quan chủ động phát hiện và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc việc thực thi Phương án phân cấp trong giải quyết TTHC và tổng hợp các vấn đề phát sinh, vướng mắc của các Bộ, cơ quan, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
HỒNG NHUNG