10 chữ để “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” đạt mục tiêu

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là “cuộc chơi lớn”. Để “cuộc chơi lớn” đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát.

2.png
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị. Ảnh: CP

Sáng 05/02, tại Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội, các viện nghiên cứu và các địa phương đều đánh giá Đề án là "luồng gió mới", thể hiện quyết tâm mới của Chính phủ trong việc từng bước hiện đại hóa ngành sản xuất lúa gạo của cả nước. Đề án không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho gần 1,5 triệu người nông dân mà còn góp phần khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu và giảm phát thải khí nhà kính.

Gợi mở nhiều định hướng, giải pháp để triển khai Đề án mang lại hiệu quả thực chất, các đại biểu nhấn mạnh phải đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo để người nông dân nắm vững, thuần thục những gói hỗ trợ kỹ thuật; sớm đưa vào chương trình càng nhanh, càng tốt những tiến bộ khoa học công nghệ, giống lúa có đặc điểm nổi trội về dinh dưỡng; có hệ thống giám sát, báo cáo được quốc tế công nhận để sản phẩm của Đề án thực sự là "gạo chất lượng cao, carbon thấp".

Các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế quy định rõ lợi ích của các doanh nghiệp khi tham gia triển khai Đề án; đầu tư mạnh mẽ cho cơ giới hóa và hệ thống hạ tầng thủy lợi để giữ nước ngọt phục vụ sản suất lúa gạo; có cơ chế điều phối hoạt động xuất khẩu gạo để bảo đảm tối đa quyền lợi của người nông dân và ngành hàng xuất khẩu gạo của Việt Nam; tăng cường công tác thông tin, truyên truyền nâng cao nhận thức về Đề án.

Các tham luận nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ về lúa gạo cấp quốc gia để chuẩn bị tâm thế cho 5-10 năm tới; thí điểm chương trình tín chỉ carbon trong bối cảnh các tổ chức quốc tế cam kết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về tài chính và tiếp cận thị trường.

Các đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải lồng ghép Đề án với các chương trình khác; tăng cường huy động nguồn lực cho Đề án thông qua hình thức đối tác công-tư; tăng cường hợp tác quốc tế.

1(1).jpg
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đề án là cuộc chơi lớn, vì thế có 4 cái khó. Ảnh: CP

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao trong thời gian qua, trong đó có đóng góp của ngành lúa gạo trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu trong khi một số quốc gia ngưng xuất khẩu gạo.

Trong các cuộc giao thiệp ngoại giao, các nước, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao thành tựu phát triển nông nghiệp của Việt Nam và mong muốn Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhiều quốc gia phát triển nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết tại Hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh Đề án là cuộc chơi lớn, vì thế có 4 cái khó: Khó vì lần đầu tiên đặt ra mục tiêu 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải; khó vì thay đổi thói quen trong canh tác nông nghiệp; khó vì luôn bị tác động ngay lập tức từ sự thay đổi thất thường của giá gạo trên thị trường; khó thống nhất ở một số việc liên quan đến lợi ích của một số tổ chức, cá nhân, điển hình như việc thống nhất giá gạo xuất khẩu.

Để cuộc chơi lớn đạt được mục tiêu đề ra, Phó Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc 10 chữ: Hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự chung tay của Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp để từng bước thúc đẩy từng người nông dân có thái độ "hết lòng" với Đề án này. Kinh nghiệm cho thấy, việc gì khó nếu có cách tiếp cận đúng, phương pháp đúng và quyết tâm là làm được, điển hình như trong chống dịch Covid-19 Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về kết quả phòng chống dịch.

Theo Phó Thủ tướng, nếu không "tuân thủ" kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn là chúng ta thất bại, nhưng đồng thời cũng phải "linh hoạt", sáng tạo trong cách ứng xử, phù hợp với từng vùng, từng địa phương và đặc biệt phải thích ứng với tác động ngày một nghiêm trọng, khó đoán định của biến đổi khí hậu.

Phó Thủ tướng cho rằng phải "hợp tác" tốt, trước hết là trong đàm phán các khoản vay, phối hợp giữa các cơ quan Trung ương với nhau, giữa Trung ương với địa phương, giữa doanh nghiệp với nhau; nhấn mạnh "chúng ta sẽ thất bại nếu các doanh nghiệp tham gia Đề án này bằng cách riêng, không giống ai của mình, không có sự tuân thủ và phối hợp". Bên cạnh đó, phải lồng ghép tốt các chương trình để tạo sức mạnh tổng hợp mới có thể cùng thắng.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần có sự "kiểm soát" tốt để không lệch chuẩn, không lệch hướng và kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế trên cơ sở thường xuyên sơ kết, tổng kết, đặt biệt là những mô hình, cách làm hay.

Khẳng định Chính phủ sẽ cam kết, đồng hành trong quá trình triển khai Đề án, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Dự án vay vốn của WB để triển khai Đề án; Chính sách thí điểm, cơ chế trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp; và đề xuất bổ sung vốn đầu tư công cho Bộ để hỗ trợ các hạng mục đầu tư trong Đề án.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính tính toán phương án huy động nguồn vốn thực hiện cho Đề án; đề xuất cơ chế lồng ghép Đề án với các chương trình khác, có thể tương tự như cơ chế thí điểm mỗi địa phương có 2 huyện được phép trộn vốn của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với vốn ODA, Phó Thủ tướng lưu ý phải hết sức chú trọng đến khâu đàm phán để hài hòa hóa thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, tạo thuận lợi cho việc giải ngân sau khi tiếp nhận các khoản vay./.

Cùng chuyên mục
  • Các tập đoàn, tổng công ty đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước
    9 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Các tập đoàn, tổng công ty nắm giữ nguồn lực lớn, thực hiện sứ mệnh lớn phải làm ăn có lãi, đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước (NSNN). Yêu cầu của năm 2024 với cả nước và với các tập đoàn, tổng công ty phải đạt kết quả cao hơn năm 2023.
  • Hải Dương thông xe nút giao đường tỉnh 392 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Sáng 05/02, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương đã tổ chức Lễ thông xe nút giao liên thông kết nối đường tỉnh 392 (huyện Bình Giang, Hải Dương) với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Dự án xây dựng này do Tập đoàn Hòa Phát tài trợ với tổng kinh phí 321 tỷ đồng.
  • Hải Phòng bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề nghị các Sở, ngành, đơn vị và UBND các quận, huyện tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
  • Kinh tế tri thức và khát vọng “Rồng bay”
    9 tháng trước Kinh tế
    (BKTO) - Không biết từ bao giờ, qua lao động sản xuất, ông cha ta đã đúc kết thành câu phương ngôn: “Một người lo bằng cả kho người làm”. Điều đó chứng tỏ từ thuở xa xưa khi lao động thủ công bằng cơ bắp là chính thì các bậc tiền nhân đã rất chú trọng và đánh giá cao khả năng làm việc bằng đầu óc! Phải chăng đó là mầm mống đầu tiên của cái mà ngày nay chúng ta gọi là “kinh tế tri thức”?
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Nhập từ 13.000 - 15.000 tấn nông sản/ngày
    9 tháng trước Địa phương
    (BKTO) - Dự kiến, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 1 tuần, lượng hàng nông sản nhập về các chợ đầu mối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
10 chữ để “Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao” đạt mục tiêu