Kinh tế tri thức và khát vọng “Rồng bay”

(BKTO) - Không biết từ bao giờ, qua lao động sản xuất, ông cha ta đã đúc kết thành câu phương ngôn: “Một người lo bằng cả kho người làm”. Điều đó chứng tỏ từ thuở xa xưa khi lao động thủ công bằng cơ bắp là chính thì các bậc tiền nhân đã rất chú trọng và đánh giá cao khả năng làm việc bằng đầu óc! Phải chăng đó là mầm mống đầu tiên của cái mà ngày nay chúng ta gọi là “kinh tế tri thức”?

kinh-te-tri-thuc-chu-mao(1).png
Phát triển kinh tế tri thức đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam. Ảnh: TS

Tại sao người xưa lại cho rằng chỉ cần một người mà biết lo liệu thì bằng với cả kho người làm? Nghe có vẻ bất hợp lý nhưng nếu suy xét kỹ thì cũng khá là hợp lý. Ở đây, lao động không chỉ đơn thuần là cắm mặt vào làm, làm và làm. Tất cả mọi việc, trước khi bắt tay vào làm đều cần tính toán kỹ lưỡng. Như vậy, tri thức đóng vai trò quan trọng trong lao động. Muốn lao động có hiệu quả thì ta phải biết tính toán, phải có kế hoạch rõ ràng và cách thức làm việc phù hợp.

Cho đến nay, kinh tế thế giới đã chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp, tức là thời kỳ tiền công nghiệp - nơi nền kinh tế và của cải chủ yếu dựa vào nông nghiệp, sang nền kinh tế công nghiệp - nơi khu vực sản xuất đang bùng nổ. Vào giữa thế kỷ 20, các nền kinh tế thế giới hướng tới một hệ thống hậu công nghiệp, sản xuất hàng loạt, trong đó được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ tạo ra của cải lớn hơn so với công nghiệp sản xuất. Đến những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, kinh tế tri thức nổi lên với điểm nổi bật là sức mạnh của tri thức và khu vực vốn nhân lực, được đánh dấu là giai đoạn phát triển mới nhất của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế toàn cầu. Lúc này, nền kinh tế tri thức đã gắn liền với các lĩnh vực dựa trên các ngành công nghiệp công nghệ cao và chuyên sâu với các phát minh khoa học tinh vi. Với nền kinh tế tri thức có cả một đội ngũ hùng hậu các nhà khoa học ở các quốc gia, nhất là những quốc gia hùng mạnh về tri thức là những người “lo toan” nên đã tạo ra những điều kỳ diệu trong cuộc sống nhân loại. Trong đó việc phát minh ra chip điện tử đã làm thay đổi hoàn toàn công nghệ của thế giới và mở ra giai đoạn phát triển thần tốc của kỹ thuật số.

Ngày nay, kinh tế tri thức là yếu tố có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của các quốc gia trên thế giới. Chẳng thế mà, trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden tháng 9/2023, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời Mỹ “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”.

Nước ta vốn là một nước nông nghiệp sản xuất lúa nước. Từ bao đời, các thế hệ nhà nông chỉ quen “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời”. Vậy mà bây giờ, “tam nông” ở ta - nông dân, nông nghiệp, nông thôn - đã có sự thay đổi ngoạn mục! Kết quả đó không thể có được nếu như không có kinh tế tri thức. Chỉ có kinh tế tri thức mới sản sinh ra một người “biết lo” là Hồ Quang Cua, từ một chàng trai sinh ra ở một làng quê nghèo thuần nông ở xã Hòa Đông (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), tuổi thơ gắn liền với đồng ruộng, làng quê... đã trở thành kỹ sư nông nghiệp và là “cha đẻ” giống gạo ST25 - niềm tự hào của gạo Việt Nam, được đánh giá ngon nhất thế giới!

Tuy nhiên, cũng phải thấy là năng suất lao động của Việt Nam chưa cao. Hướng quan trọng để giải bài toán này là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang lao động có kỹ năng. Ngoài ra, cần khơi thông và giải phóng các nguồn lực cho phát triển, thúc đẩy, hỗ trợ khu vực tư nhân và các khu vực khác trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Với mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển nền kinh tế tri thức đã trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, là yếu tố quyết định đến sự phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra một số giải pháp cơ bản phát triển kinh tế tri thức ở nước ta, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin. Đây được xác định là một trong những con đường ngắn nhất và làm đòn bẩy khơi dậy mọi tiềm năng, nội lực trong nước. Mặt khác, tích cực và chủ động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn ngoại lực, lựa chọn đối tác chiến lược là các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến đầu tư vào Việt Nam, từ đó gắn kết chặt chẽ giữa hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ với hợp tác kinh tế quốc tế.

Như vậy có thể thấy, phát triển kinh tế tri thức đã trở thành yêu cầu tất yếu đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tri thức không ngừng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một “đội ngũ những người biết lo” cho sự phát triển kinh tế của đất nước là vô cùng quan trọng. Chính “đội ngũ những người biết lo” ấy sẽ giải bài toán cơ cấu lại các ngành kinh tế, dịch vụ theo hướng nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển những ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử… Ở đây, điều cốt yếu là phải thiết lập một cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thu hút những người tài năng, các chuyên gia giỏi, các nhà quản lý xuất sắc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương cụ thể về phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài nhằm phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, có một thực tế là quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài đã có từ trước đến nay nhưng chưa được xây dựng thành chiến lược quốc gia hoàn chỉnh, chưa được thể chế hoá bằng một văn bản ở tầm đạo luật như “Chiếu cầu hiền” xưa. Do vậy, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài mỗi nơi làm một khác, có tính chiếu lệ, không thực chất và dĩ nhiên là hiệu quả chưa cao. Thậm chí đã có nơi, có lúc người ta “mượn” chính sách này để sản sinh ra những “nhân tài giả”, những “tiến sĩ giấy”! Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi thực trạng này, những người làm công tác Kiểm toán nhà nước với đạo đức nghề nghiệp “công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng” đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ pháp luật, quản lý tài chính, tài sản của Nhà nước và của Nhân dân.

Mùa xuân năm con Rồng này, hy vọng với việc triển khai thực hiện “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/7/2023, đất nước ta sẽ có sự chuyển động rõ rệt trong lĩnh vực thu hút, sử dụng nhân tài và có được những nhân tài thật sự. Bởi không ai khác, chính những nhân tài ấy là nguồn lực, là “những người biết lo” cho sự phát triển đất nước, góp phần hiện thực hoá khát vọng “Rồng bay” trên Tổ quốc Việt Nam hùng cường!./.

Cùng chuyên mục
Kinh tế tri thức và khát vọng “Rồng bay”