10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Kiểm toán nhà nước năm 2024

(BKTO) - Năm 2024, Kiểm toán nhà nước đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, nổi bật trên các lĩnh vực công tác. Dưới đây là 10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Kiểm toán nhà nước trong năm 2024:

1. Kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (11/7/1994 - 11/7/2024)

1(2).jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho KTNN tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN

Ngày 11/7/2024, Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã được tổ chức trang trọng tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; cùng nhiều đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế; các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho KTNN. Phần thưởng cao quý này nhằm ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc, đóng góp lớn lao của KTNN đối với đất nước trong suốt những năm qua. Ngay trước thềm Lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đã có buổi tiếp Đoàn đại biểu các cơ quan KTNN quốc tế và Việt Nam.

2. Quyết liệt triển khai Quy định số 131-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán (Quy định 131)

2..jpg
Đoàn kiểm tra, giám sát thường xuyên của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn - thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương làm Trưởng đoàn - đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa

Triển khai Quy định 131, Ban cán sự đảng KTNN đã ban hành Kế hoạch số 202-KH/BCSĐ để tổ chức thực hiện; đồng thời yêu cầu phổ biến, quán triệt Quy định trong toàn Ngành thông qua sinh hoạt chuyên đề và các lớp bồi dưỡng.

KTNN đã thể chế hóa Quy định 131 vào các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Ngành; đưa việc thực hiện Quy định 131 vào kế hoạch kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán hằng năm, đột xuất. Bên cạnh đó, KTNN lập Đường dây nóng để tiếp nhận thông tin có liên quan đến hoạt động của KTNN và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, xử lý kịp thời, nghiêm minh khi phát hiện công chức, viên chức, kiểm toán viên vi phạm Quy định 131.

3. Lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn trước Quốc hội

3.jpg
Lần đầu tiên, Tổng Kiểm toán nhà nước trả lời chất vấn trước Quốc hội

Ngày 05/6/2024, tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đã đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đây cũng là lần đầu tiên sau hơn 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước được lựa chọn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Tại Phiên chất vấn, Tổng Kiểm toán nhà nước đã trả lời rõ ràng, thuyết phục các câu hỏi chất vấn của 35 đại biểu Quốc hội. Nội dung trả lời chất vấn nhận được sự ghi nhận, đánh giá cao từ lãnh đạo Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, để lại ấn tượng tốt đẹp với cử tri và nhân dân cả nước. Đây cũng là dịp để các đại biểu Quốc hội và cử tri hiểu thêm về vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tầm quan trọng của hoạt động KTNN đối với sự phát triển đất nước.

4. Ban hành Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước năm 2024

z6160254380547_bafcd52bb59b765956e1d2e08c347da7.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì cuộc họp rà soát, ban hành Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước năm 2024

Ngày 15/11/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước ký Quyết định số 08/2024/QĐ-KTNN ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN với 43 chuẩn mực, áp dụng cho cả 3 loại hình: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

4 CMKTNN được bổ sung vào Hệ thống CMKTNN năm 2024 gồm: CMKTNN 150 - Năng lực của kiểm toán viên nhà nước, CMKTNN 2701 - Trình bày các vấn đề kiểm toán quan trọng của cuộc kiểm toán trong báo cáo kiểm toán, CMKTNN 2720 - Trách nhiệm của kiểm toán viên nhà nước đối với thông tin khác trong tài liệu có báo cáo tài chính đã được kiểm toán, CMKTNN 2810 - Đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính tóm tắt.

Hệ thống CMKTNN ban hành sau ngày càng hoàn thiện và phù hợp hơn với thực tiễn Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, là kim chỉ nam cho hoạt động kiểm toán của KTNN.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ban hành Nghị quyết về việc thành lập Cục Công nghệ thông tin (CNTT) trực thuộc Kiểm toán nhà nước

5.jpg
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chúc mừng Cục Công nghệ thông tin tại Lễ trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Cục Công nghệ thông tin trực thuộc KTNN, tháng 7/2024

Ngày 23/4/2024, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 1044/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Cục CNTT trực thuộc KTNN, trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Tin học. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2024. Việc thành lập Cục CNTT là một bước đi chiến lược, thể hiện tầm nhìn của Lãnh đạo KTNN nhằm đạt được mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2030. Sự ra đời của Cục CNTT không chỉ nhằm kiện toàn tổ chức mà còn mở ra cơ hội lớn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của KTNN; giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển tổ chức của KTNN, đặc biệt có ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024).

6. Hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 đảm bảo tinh gọn, chất lượng, hiệu quả; ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2025 với phương châm “An toàn - Uy tín”

6.jpg
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 của Vụ Tổ chức cán bộ.

Đến ngày 15/12/2024, KTNN đã triển khai 161/161 đoàn kiểm toán, xét duyệt 176 dự thảo và phát hành 152 báo cáo kiểm toán. Tổng hợp kết quả, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 22.817 tỷ đồng (tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) 2.637 tỷ đồng, giảm chi NSNN 9.341 tỷ đồng và kiến nghị khác 10.839 tỷ đồng); kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới đối với 125 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp.

Với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhiệm vụ kiểm toán năm 2024 đã đảm bảo tiến độ đề ra, tính hiệu lực, hiệu quả không ngừng được nâng cao, bám sát mục tiêu “chất lượng, chất lượng hơn và chất lượng hơn nữa”, giúp KTNN hoàn thành thắng lợi, toàn diện kế hoạch công tác năm.

Sẵn sàng, chủ động từ sớm cho triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ký Quyết định số 1975/QĐ-KTNN ngày 11/12/2024 ban hành Kế hoạch kiểm toán năm 2025 với 116 nhiệm vụ kiểm toán, giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024 (gồm 121 nhiệm vụ, giảm 8 nhiệm vụ so với năm 2023).

7. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thông qua hoạt động kiểm toán

7.jpg
KTNN ký Quy chế phối hợp công tác với các địa phương, qua đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm toán gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Năm 2024, KTNN tiếp tục tập trung kiểm toán các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách nhà nước, các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, được cử tri và xã hội quan tâm... Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN không chỉ kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN, hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần ngăn chặn các hành vi tham nhũng, lãng phí và kiến nghị xử lý nghiêm trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm mà còn cung cấp 308 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ kiểm tra, điều tra, giám sát. Đặc biệt, KTNN đã chuyển 2 hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ theo thẩm quyền (Công ty TNHH TMDV Xuất nhập khẩu Cao Nguyên BP; Công ty TNHH MTV Hoàng Thanh Thúy). KTNN còn tích cực cử cán bộ, công chức tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát, tổ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

8. Kiểm toán nhà nước Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Kiểm toán của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2024-2027; đăng cai tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI WGBD) với chủ đề: “Quản trị dữ liệu - công cụ hiệu quả mới trong kiểm toán - từ góc độ chất lượng dữ liệu”

8..jpg
KTNN đăng cai tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác Dữ liệu lớn của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao với chủ đề: “Quản trị dữ liệu - công cụ hiệu quả mới trong kiểm toán - từ góc độ chất lượng dữ liệu”

Tháng 9/2024, tại Đại hội ASOSAI lần thứ 16 tổ chức tại Ấn Độ, KTNN Việt Nam được bầu là 1 trong 2 thành viên của Ủy ban Kiểm toán ASOSAI nhiệm kỳ 2024-2027. Đây là cột mốc mới trong quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế, là minh chứng cho sự phát triển và chủ động trong hợp tác chuyên môn để nâng cao năng lực hoạt động của KTNN.

Cũng trong tháng 9/2024, KTNN với vai trò nước chủ nhà đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 8 của INTOSAI WGBD với chủ đề: “Quản trị dữ liệu - công cụ hiệu quả mới trong kiểm toán - từ góc độ chất lượng dữ liệu”. Hội nghị thu hút 22 cơ quan kiểm toán tối cao và 3 tổ chức quốc tế với số lượng diễn giả lớn nhất từ trước đến nay. Đây là diễn đàn chia sẻ kiến thức, cầu nối phát triển quan hệ hợp tác với các SAI trên thế giới hướng tới lợi ích chung trong tương lai.

9. Thành lập Ban rà soát, đánh giá và cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc KTNN

9..jpg
KTNN tổ chức họp Ban rà soát, đánh giá và cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc KTNN

Thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ngày 28/10/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1750/QĐ-KTNN về việc thành lập Ban rà soát, đánh giá và cơ cấu lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc KTNN, trên cơ sở bám sát: Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ giám sát tối cao của Quốc hội; tập trung vào các chủ đề nóng, nổi cộm được xã hội quan tâm; cân đối về nguồn lực của Ngành, đảm bảo phương châm “Gọn nhưng chất”, “An toàn và Uy tín”; phù hợp thực tế phát triển và hội nhập của Ngành.

10. Nhiều hoạt động thiện nguyện, về nguồn, “chung tay” vì cộng đồng

10.jpg
Lễ bàn giao Công trình Nhà bán trú và các công trình phụ trợ Trường Tiểu học và THCS Yên Hòa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, tháng 9/2024

Trong năm 2024, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KTNN luôn chú trọng, quan tâm đến công tác an sinh xã hội, với rất nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả đã được triển khai, có tính lan tỏa sâu rộng, qua đó chung tay cùng cộng đồng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. KTNN đã xây dựng 6 nhà tình nghĩa cho các gia đình chính sách; tổ chức các Chương trình: “Xuân Biên cương”, “Tết vì người nghèo”; thăm và tặng quà các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, học sinh nghèo vượt khó tại nhiều địa phương; tổ chức Đoàn công tác thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tại 6 đảo và 1 Nhà giàn DK-1/12 thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa; ủng hộ người dân bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả bão lũ..., với tổng kinh phí thực hiện các chương trình, hoạt động là hơn 3,6 tỷ đồng./.

Cùng chuyên mục
  • Kiểm toán nội bộ: Tận dụng cơ hội trên con đường chuyển đổi
    5 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Kiểm toán nội bộ (KTNB) đang phải đối mặt với những thách thức lớn, buộc phải trang bị tốt hơn cả về kỹ năng, công nghệ, nhân tài và cộng tác trên toàn tổ chức. Điều này đòi hỏi các kiểm toán viên (KTV) suy nghĩ và làm việc theo những phương thức mới, thay đổi thực sự thông qua chiến lược chuyển đổi có mục đích.
  • NÂNG CAO TÍNH CHUYÊN NGHIỆP, MINH BẠCH VÀ TRÁCH NHIỆM GIẢI TRÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG KIỂM TOÁN
    5 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) vừa ban hành có nhiều điểm mới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để Kiểm toán nhà nước (KTNN) nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán, góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh, phát triển bền vững.
  • Thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm về hội nhập và hợp tác quốc tế năm 2024
    5 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Năm 2024 đánh dấu một năm hoạt động sôi động, hiệu quả của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về hội nhập và hợp tác quốc tế. Bên cạnh việc thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết liên tịch số 11/NQLT-BCSĐ-ĐU ngày 23/01/2024 của Ban cán sự đảng - Đảng ủy KTNN; Chỉ thị số 811-CT/BTV ngày 05/01/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN về thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ chính trị năm 2024; thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN, KTNN cũng nỗ lực chủ động khẳng định vị thế, vai trò, sức ảnh hưởng trong cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) khu vực và trên thế giới.
  • KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC - DẤU ẤN NĂM 2024
    5 ngày trước Kiểm toán
    (BKTO) - Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, năm tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030. Đặc biệt, đây cũng là năm KTNN triển khai kiểm toán việc thực hiện nhiều kế hoạch, chương trình, chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có các chủ đề phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và là năm Kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994-11/7/2024). Với những nỗ lực, quyết tâm cao nhất, toàn Ngành đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện kế hoạch công tác đề ra, khẳng định “sức trẻ” tuổi 30 đầy tự tin, vững vàng, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
  • Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị chuyên môn
    6 ngày trước Hoạt động của Ngành
    (BKTO) - Chiều 31/12, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN-116 Nguyễn Chánh, Hà Nội), KTNN đã tổ chức Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức cơ quan KTNN năm 2024.
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Kiểm toán nhà nước năm 2024