Trong tháng 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tập trung chỉ đạo các đơn vị đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm trong nước, cũng như phục vụ cho xuất khẩu. Các chỉ tiêu cơ bản đạt kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu xuất khẩu và thặng dư đạt kỷ lục so với nhiều năm vừa qua.
Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT), tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản hai tháng đầu năm ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu 7,16 tỷ USD, trong đó xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 2, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 4,48 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 16,5% so với tháng 1; trong đó, nông sản chính đạt 2,34 tỷ USD (tăng 21,6% so với tháng 2/2023), lâm sản chính đạt 1,34 tỷ USD (tăng 40,3%), thủy sản đạt 620 triệu USD (tăng 1,9%), chăn nuôi đạt 34 triệu USD (tăng 6,2%), đầu vào sản xuất 142 triệu USD (giảm 7,4%).
Đáng chú ý, sau thời gian ảm đạm, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản - một trong những ngành hàng đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam khởi sắc trở lại khi các doanh nghiệp đón làn sóng tăng trưởng từ hầu hết các mặt hàng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, xuất khẩu cá tra đạt khoảng 365 triệu USD, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tính tới hết tháng 2, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu cá tra tăng 15% và cá các loại khác tăng 8%.
Về thị trường, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia là những nước có tín hiệu nhập khẩu khả quan. Đặc biệt, tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang hồi phục tốt. Thêm vào đó, tôm Việt còn có lợi thế hơn bởi Ecuador đang bị cảnh báo do tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng.
Nhận định về tình hình sắp tới, trao đổi với Báo Kiểm toán, ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, diễn biến thời tiết cho sản xuất, thị trường tiêu thụ vẫn còn phức tạp. Do đó, các mặt hàng nông sản, biệt là đối với các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như tôm, cá ngừ, gạo, cà phê..., doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nuôi trồng phải bám sát diễn biến tình hình để chủ động kế hoạch nuôi trồng; tăng cường xúc tiến, tìm kiếm thị trường mới để hạn chế rủi ro.
“Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng đề ra, các lĩnh vực cần tiếp tục tổ chức lại sản xuất, nâng cao năng lực chế biến; đồng thời theo dõi biến động thị trường, chính sách của các nước để kịp thời đưa ra cảnh báo, điều chỉnh cho phù hợp” - ông Việt cho biết.