30 năm đổi mới: Dấu ấn và thách thức

(BKTO) - Đông đảo các chuyên gia kinh tế đã sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng cácchuyên đề “Tổng kết 30 năm đổi mới” và “Quản lý quá trình chuyển đổi” trong Báocáo Việt Nam 2035 tại Hội thảo cùng tên do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Ban chỉ đạoxây dựng Báo cáo “Việt Nam 2035” và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chứcngày 23/6, tại Hà Nội.



Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: TS
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: HỒNG THOAN
Tại Hội thảo, phần trình bày tóm tắt bản dự thảo báo cáo “Việt Nam 30 năm đổi mới: Dấu ấn và thách thức” gồm 3 chương: Quá trình đổi mới; Thành tựu và vấn đề; Những bài học chủ yếu và thách thức của TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã được nhiều đại biểu đánh giá rất cao. Theo TS.Thành, có thể phân chia quá trình đổi mới của Việt Nam thành nhiều giai đoạn ngắn. Trước đổi mới, từ cuối những năm 70 đến năm 1985, một số cải cách vi mô đã được tiến hành từ dưới lên (“phá rào” trong kinh tế, khoán, 3 kế hoạch), những giao dịch thị trường bắt đầu được khuyến khích. Năm 1986, Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, thừa nhận nền kinh tế nhiều thành phần, tập trung phát triển sản xuất hàng hóa.

Nhưng chỉ từ năm 1989 cải cách mới thực sự là cải cách định hướng thị trường - đây là cải cách có “đau đớn” nhưng thành công nhất, mạnh mẽ nhất của Việt Nam. Sau 1996, cải cách đạt 2 bước tiến nhưng có 1 bước lùi. Từ năm 2000, khi có Hiệp định thương mại Việt - Mỹ (BTA) và cuối năm 2006 gia nhập WTO, Việt Nam đã chỉnh sửa, xây dựng 30 bộ luật để phù hợp với các quy định của WTO, nhưng cải cách không đều - tiến trình cải cách DNNN khó khăn và đầy mâu thuẫn. Từ 2006-2011 là giai đoạn sau gia nhập WTO, Việt Nam chủ yếu đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, bất ổn kinh tế vĩ mô, thiếu tập trung cải cách, tăng trưởng suy giảm thể hiện rõ 2 vấn đề lớn về cơ cấu (chất lượng tăng trưởng) và cân đối vĩ mô méo mó. Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, thúc đẩy hội nhập sâu rộng hơn.

Phân tích rằng bản chất của đổi mới/cải cách kinh tế của Việt Nam là mở rộng cơ hội lựa chọn về mặt kinh tế cho người dân và DN tư nhân để tận dụng cơ hội mới, TS.Võ Trí Thành đồng thời chỉ ra các chiều cải cách chính của Việt Nam gồm: cải cách theo định hướng thị trường (tự do giá cả, quyền sở hữu và quyền kinh doanh, cải cách DNNN…), mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế (nhất là thương mại và FDI), ổn định kinh tế vĩ mô và xã hội, dần quan tâm đến các vấn đề xã hội và môi trường.

Đánh giá 30 năm đổi mới, nhóm tác giả soạn thảo Báo cáo “Việt Nam 2035” đã nêu ra 4 thành tựu: Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa; thực hiện nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; mức độ hội nhập khá cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đằng sau những thành tựu này là chất lượng tăng trưởng chưa cao và giảm dần. Tăng trưởng đã chủ yếu dựa vào tăng vốn, lao động giá rẻ dẫn tới tăng trưởng nhân tố sản xuất nhiều méo mó, chất lượng lao động thấp, chi phí giao dịch cao, DNNN và đầu tư công thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó còn có vấn đề nền kinh tế vẫn là lưỡng thể (một bên là DN FDI và DNNN, một bên là DN nhỏ và rất nhỏ), tiềm ẩn rủi ro tài chính và kinh tế vĩ mô, lan tỏa công nghệ rất thấp, tốc độ đô thị hóa chậm, giãn khoảng cách thu nhập…

Từ 5 bài học kinh nghiệm rút ra cũng như những thách thức đặt ra trong giai đoạn mới hiện nay là làm sao đạt được tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững, thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy chi phí lao động thấp, bẫy tự do hóa thương mại, các chuyên gia đã xác định và nêu bật 6 đột phá mà Việt Nam cần thực hiện là: thể chế, khu vực tư nhân, khoa học công nghệ, đô thị hóa, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cần thiết phải tổng kết để định vị Việt Nam sau 30 đổi mới đang ở đâu và cần xử lý những gì cho tương lai. Tuy nhiên, bản dự thảo Báo cáo hơi nặng về kinh tế, cần mở rộng thêm cả các vấn đề xã hội, môi trường để thấy được tầm quan trọng của các vấn đề này đối với phát triển bền vững. Thực tế là tư duy thị trường, tư duy mở cửa hội nhập của chúng ta có vấn đề dẫn đến bước thụt lùi, cải cách Nhà nước không theo kịp thị trường, trong đó thái độ đối với DN là nguyên nhân liên quan đến quá trình tăng trưởng. Đồng thời, chúng ta cũng cần đánh giá, xác định nguồn lực thực sự đang có là gì: tài nguyên đã khai thác đến đâu; nguồn lực tài chính, vật chất; nguồn nhân lực; trình độ quản trị quốc gia trên khía cạnh thị trường và khía cạnh nhà nước.

Chung quan điểm này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nhấn mạnh cần phải đánh giá kỹ lưỡng kết quả sau 30 năm đổi mới và đặt trong tương quan so sánh với các nước khác trong khu vực mà cũng có xuất phát điểm khá tương đồng với Việt Nam. Bà Lan cũng cho rằng, cần phải cắt đi những yếu tố “lưỡng thể” trong tư duy, trong thể chế kinh tế bởi đây là nguyên nhân quan trọng làm cho nhiều tiềm lực lớn (nguồn vốn, nguồn lao động…) không thể phát triển như mong muốn; cần phải đi thẳng vào tư duy kinh tế thị trường, đổi mới thể chế kinh tế thị trường. Đặc biệt tên của Báo cáo nên bổ sung là: “Việt Nam 30 năm đổi mới: Dấu ấn, thách thức và con đường đi tới” để thấy rõ được triển vọng cũng như kỳ vọng của Việt Nam về tương lai. Những định hướng này cần được đề cập ngay từ Chương I của Báo cáo để tạo thành một hệ thống thông điệp xuyên suốt”.
HỒNG THOAN
Cùng chuyên mục
30 năm đổi mới: Dấu ấn và thách thức