Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu khai mạc tại Hội thảo.Ảnh: PHỐ HIẾN
Trong phát biểu khai mạc, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết đây là hoạt động nhằm cụ thể hóa tinh thần hợp tác giữa KTNN Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia, đồng thời nêu rõ những mục tiêu chính của Hội thảo. Theo đó, Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ, trao đổi về phương pháp, kinh nghiệm để tổ chức các cuộc kiểm toán hoạt động (KTHĐ) đối với các chương trình - dự án được tài trợ vốn ODA, nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của Báo cáo kiểm toán đối với các đối tượng sử dụng Báo cáo kiểm toán, đặc biệt là các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế có liên quan. Hội thảo cũng là dịp để KTNN Việt Nam tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà tài trợ về nhu cầu, mục tiêu, trọng tâm và nội dung kiểm toán cụ thể đối với các chương trình - dự án ODA. Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng bày tỏ tin tưởng mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa KTNN Việt Nam với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế và các cơ quan Kiểm toán tối cao, trong đó có Ủy ban Kiểm toán Indonesia, sẽ ngày càng được tăng cường chặt chẽ và có chất lượng hơn.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Indonesia Harry Azhaz Aziz nhấn mạnh, hai bên cần nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán hoạt động; tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai bên, cũng như với các bên liên quan nhằm nâng cao năng lực của các cơ quan kiểm toán tối cao, cải thiện tính minh bạch, hiệu quả và xác định trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý, đặc biệt là trong vấn đề quản lý tài chính và tài sản công.
Chia sẻ về kinh nghiệm KTHĐ đối với khu vực công của Ủy ban Kiểm toán Indonesia, ông R.Yudi Ramdan Budiman đã có tham luận với nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó nhấn mạnh các bài học kinh nghiệm đã được đúc rút qua thực tế triển khai. Kinh nghiệm 10 năm KTHĐ của Indonesia cho thấy 2 yếu tố tác động chính, đó là yếu tố bên ngoài và yếu tố bên trong. Yếu tố bên ngoài là sự sẵn sàng cải thiện hoạt động của Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là mức độ sẵn sàng đón nhận KTHĐ. Yếu tố bên trong là kinh nghiệm về KTHĐ của các kiểm toán viên thu được từ thực tế kiểm toán. Tham luận cũng nêu một số nhận định về KTHĐ trong tương lai.
Tham luận về thực trạng và định hướng phát triển KTHĐ của KTNN Việt Nam, bà Hoàng Thị Vinh Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), cho biết, chủ trương phát triển KTHĐ là một nội dung cơ bản, được nêu rõ trong Chiến lược phát triển KTNN đến 2020 và cụ thể hóa trong Kế hoạch chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2013-2017. Triển khai chủ trương trên, năm 2014, Phòng KTHĐ (trực thuộc Vụ Tổng hợp) đã hoàn thành 02 cuộc KTHĐ thí điểm tổ chức độc lập với sự tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia đến từ Quỹ Kiểm toán toàn diện Canada. Đến nay đã lựa chọn chủ đề và đang triển khai 5 cuộc KTHĐ độc lập theo kế hoạch kiểm toán năm 2015... Tham luận cũng đưa ra lộ trình thực hiện chiến lược phát triển KTHĐ của KTNN giai đoạn 2015-2017 với 6 nội dung chính và 8 nhóm giải pháp để thực hiện chiến lược; đồng thời nêu lên những khó khăn, thách thức để phát triển KTHĐ, như: cơ cấu tổ chức mới được hình thành và đang trong quá trình thử nghiệm; nhận thức về KTHĐ của các đơn vị trong và ngoài ngành cũng như năng lực và kinh nghiệm về KTHĐ của KTNN còn hạn chế...
Ông Nguyễn Trọng Khang - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V (đơn vị tham gia kiểm toán một số chương trình - dự án lớn có sử dụng nguồn vốn ODA thời gian vừa qua) đã trao đổi về thực trạng và nêu một số giải pháp về KTHĐ lĩnh vực này. Từ thực tiễn triển khai kiểm toán tham luận cũng chỉ ra một số hạn chế về đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của Báo cáo kiểm toán chương trình - dự án ODA thời gian qua.
Nhiều ý kiến tham luận, trao đổi tại Hội thảo đã góp phần làm rõ thực trạng KTHĐ hiện nay cũng như chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp để khắc phục những khó khăn, thách thức đối với loại hình kiểm toán còn mới mẻ này tại Việt Nam. Một số nội dung liên quan đến hoạt động kiểm toán nói chung và KTHĐ đối với các chương trình - dự án ODA nói riêng cũng được các đại biểu tham gia, góp ý để hoàn thiện hơn trong thời gian tới.
Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá: Những bài tham luận và các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đã mang đến những thông tin hữu ích về thực trạng, vai trò, yêu cầu đặt ra và định hướng phát triển KTHĐ của KTNN Việt Nam và Ủy ban Kiểm toán Indonesia, đặc biệt là những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KTHĐ đối với các dự án ODA. KTNN sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để tiếp tục nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình, chuẩn mực, công tác tổ chức, hệ thống KTHĐ của KTNN, trong đó có KTHĐ đối với các chương trình - dự án sử dụng nguồn vốn ODA.
Box:Ông Nguyễn Hữu Quang - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH: Đẩy mạnh loại hình KTHĐ là xu thế chung của hoạt động kiểm toán trên toàn thế giới và đang được các quốc gia áp dụng. Loại hình kiểm toán này dù mới được KTNN triển khai, song rất được chú trọng quan tâm. Trong thời gian tới cần đẩy mạnh KTHĐ. Đối với kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN, đặc biệt là quyết toán lĩnh vực đầu tư công, cần tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, mỗi chuyên đề đi sâu vào một chương trình cụ thể. Mặc dù còn nhiều khó khăn để đẩy mạnh KTHĐ tại Việt Nam, nhưng tôi tin rằng với sự quan tâm đầu tư, trao đổi kinh nghiệm tích cực như hiện nay, loại hình KTHĐ sẽ có những bước phát triển nhanh chóng.
Ông Bryan Fornari - Phó Bộ phận Hợp tác của EU: Chúng tôi đã phối hợp rất chặt chẽ với KTNN Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có KTHĐ đối với các chương trình - dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ. Chất lượng của các Báo cáo kiểm toán cũng như các kiến nghị kiểm toán đưa ra là cơ sở quan trọng để chúng tôi thực hiện việc giải ngân vốn ODA. Ngoài ra, EU cũng phối hợp với Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ hỗ trợ KTNN Việt Nam trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng kiểm toán.
NGUYỄN LỘC - NGỌC QUỲNH